Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị đẩy mạnh ngoại giao kinh tế

Chiều tối 2-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị với các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước năm 2024.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị với các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước năm 2024. Ảnh: VIẾT CHUNG
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị với các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước năm 2024. Ảnh: VIẾT CHUNG

So với hội nghị lần trước, hội nghị lần này có thêm đại diện các doanh nghiệp xuất khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài.

Phát biểu định hướng, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, hội nghị được tổ chức sau 1 năm triển khai chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10-8-2022 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển và sau 3 tháng triển khai kết quả hội nghị ngoại giao lần thứ 32.

Thủ tướng nêu rõ, đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng là 3 động lực tăng trưởng truyền thống cần làm mới, cùng với các động lực mới cần thúc đẩy là kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức. Trong bối cảnh hiện nay, yêu cầu đặt ra là phải phát triển nhanh và bền vững, không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội, môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần, phát triển hài hòa giữa kinh tế với xã hội, văn hóa, môi trường.

1.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị đẩy mạnh ngoại giao kinh tế. Ảnh: VIẾT CHUNG

Thủ tướng gợi mở một số nội dung: tiếp tục rà soát, nắm chắc tình hình thế giới và khu vực, triển khai các giải pháp để củng cố các thị trường đã có, mở rộng các thị trường mới; khắc phục các đứt gãy trong chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất toàn cầu, xây dựng và phát triển thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh chuyển đổi xanh, chuyển đổi số; công tác phối hợp trong nước và ngoài nước, giữa các bộ, ngành với nhau, giữa doanh nghiệp - Nhà nước - người dân; các doanh nghiệp cần năng động, sáng tạo, chủ động thích ứng tình hình.

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần “3 cùng”: cùng lắng nghe và thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển. Đồng thời, phải giữ vững bản lĩnh, bình tĩnh, kiên trì, không quá say sưa với thắng lợi và khi thuận lợi, không hoang mang, dao động khi gặp khó khăn, thách thức, tuân thủ và vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước phù hợp tình hình.

Đơn cử như hiện nay, giá một số mặt hàng nông sản đang tốt thì chúng ta vừa phải tranh thủ cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu, vừa phải chia sẻ với các đối tác, không lợi dụng khi các đối tác khó khăn; vừa tránh phát triển nóng, chú trọng xây dựng, giữ gìn thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm với giá cả hợp lý. Thủ tướng cho rằng, khi hợp tác làm ăn thì cả hai bên đều phải có lợi, văn hóa Việt Nam không lợi dụng lúc đối tác khó khăn để "đục nước béo cò".

Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao, công tác ngoại giao kinh tế đã được các bộ, ngành, địa phương triển khai toàn diện, đi vào chiều sâu, thực chất, mở ra các hướng đi mới, mang tính đột phá, đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Trong gần 60 hoạt động đối ngoại cấp cao từ đầu năm 2023 đến nay của lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta, nội dung kinh tế trở thành trọng tâm, mang lại các kết quả cụ thể, thực chất và nhiều cam kết, thỏa thuận hợp tác kinh tế với các đối tác được xác lập. Trong đó, nội dung thúc đẩy mở cửa thị trường xuất khẩu, tăng cường thu hút nguồn lực trong các lĩnh vực mới như kinh tế xanh, chuyển đổi năng lượng, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, lao động... được lồng ghép trong mọi hoạt động đối ngoại cấp cao với các đối tác lớn. Công tác huy động nguồn lực của cộng đồng trí thức, doanh nhân kiều bào được quan tâm, đẩy mạnh…

Các hoạt động ngoại giao kinh tế đã góp phần đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của nước ta cả năm 2023 đạt 683 tỷ USD, trong đó xuất siêu khoảng 28 tỷ USD, nhiều nhất từ trước tới nay; thu hút FDI đạt gần 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% trong bối cảnh thương mại, đầu tư toàn cầu bị thu hẹp; vốn FDI thực hiện đạt gần 23,2 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.

Tin cùng chuyên mục