Thủ tướng: Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nhân thuộc mọi thành phần kinh tế

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự khẳng định, Chính phủ thấu hiểu, chia sẻ, lắng nghe với cộng đồng doanh nghiệp, trên với tinh thần bình đẳng, cùng phát triển, cùng có lợi, cùng có trách nhiệm với xã hội, người lao động, bảo vệ môi trường...

Ngày 12-10, Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam và tôn vinh doanh nhân Việt Nam tiêu biểu 2022. Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và có phát biểu chỉ đạo tại lễ kỷ niệm.

Tham dự còn có Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, cùng lãnh đạo các ban, bộ ngành Trung ương và trên 200 đại biểu doanh nhân thuộc mọi thành phần kinh tế trong cả nước.

Thủ tướng: Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nhân thuộc mọi thành phần kinh tế ảnh 1 Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam và tôn vinh doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2022, sáng 12-10. Ảnh: VIẾT CHUNG

Điểm nhấn của buổi lễ là tôn vinh, trao tặng danh hiệu "Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu" năm 2022 cho 60 doanh nhân, trong đó có 10 người được vinh danh Top 10 doanh nhân Việt Nam tiêu biểu. Tổng hợp doanh nghiệp của 60 doanh nhân này năm 2021 có doanh thu trên 1,2 triệu tỷ đồng, vốn chủ sở hữu trên 722.000 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước gần 148.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế trên 70.000 tỷ đồng và số lao động trên 251.000 người.

Đây là các doanh nhân đang lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp thuộc đủ các thành phần kinh tế, có quy mô từ rất lớn đến doanh nghiệp vừa và nhỏ. Người lớn tuổi nhất đã 82 tuổi và người trẻ nhất mới 34 tuổi, có 15 doanh nhân nữ, chiếm tỷ lệ 25%.

Trong số Top 10 doanh nhân Việt Nam tiêu biểu, có nhiều doanh nhân đã thành danh như tỷ phú Trần Bá Dương, Chủ tịch Tập đoàn Ô tô Trường Hải; ông Lê Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; ông Lý Ngọc Minh, Chủ tịch Công ty sứ Minh Long…

Thủ tướng: Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nhân thuộc mọi thành phần kinh tế ảnh 2 Thủ tướng: Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nhân thuộc mọi thành phần kinh tế. Ảnh: VIẾT CHUNG

Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và với tình cảm cá nhân, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi đến đội ngũ doanh nhân Việt Nam lời chào trân trọng, lời thăm hỏi thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Theo Thủ tướng, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm và đánh giá cao vai trò của đội ngũ doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đây là lực lượng sản xuất vật chất chủ yếu của nền kinh tế Việt Nam, đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước qua các thời kỳ lịch sử của cách mạng Việt Nam.

Hiện nay, Việt Nam đã có gần 900.000 doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 14.400 hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ về số lượng, doanh nghiệp Việt Nam đã không ngừng phát triển và nâng cao về nguồn vốn, doanh thu, lợi nhuận, hiệu quả sử dụng lao động; thể hiện vai trò là lực lượng chủ lực quản lý, tổ chức các nguồn lực sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cho xã hội, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Khu vực doanh nghiệp đóng góp trên 60% GDP, khoảng 30% tổng số lao động đang làm việc.

Các doanh nghiệp, doanh nhân có mặt ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, hoạt động không chỉ trong nước mà nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đã gây được tiếng vang, khẳng định giá trị thương hiệu vươn tầm ra khu vực và thế giới. Đồng thời, xuất hiện một lực lượng doanh nhân trẻ, năng động, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, khởi nghiệp thành công các mô hình kinh doanh mới, sáng tạo.

Thủ tướng đánh giá cao đội ngũ doanh nhân cũng luôn thể hiện trách nhiệm xã hội. Thủ tướng khẳng định, Chính phủ thấu hiểu, chia sẻ, lắng nghe với cộng đồng doanh nghiệp, trên với tinh thần bình đẳng, cùng phát triển, cùng có lợi, cùng có trách nhiệm với xã hội, người lao động, bảo vệ môi trường; không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm; lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, cân đối, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, Chính phủ sẽ xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng, khuyến khích đổi mới sáng tạo; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phù hợp bối cảnh, tình hình mới; loại bỏ những quy định không còn phù hợp, đặc biệt là tháo gỡ những điểm nghẽn có thể ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp, doanh nhân.

Cùng với đó, cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường đối thoại, tham vấn ý kiến của doanh nghiệp. Luôn đồng hành, lắng nghe, chia sẻ và quyết liệt giải quyết, xử lý những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp; đẩy mạnh ngăn ngừa, đẩy lùi những hiện tượng móc nối trục lợi, gây khó khăn, phiền hà đối với doanh nghiệp và người dân trong quá trình sản xuất, kinh doanh; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tiếp cận bình đẳng với các nguồn lực phát triển; tạo điều kiện để khu vực kinh tế ngoài nhà nước tham gia thực hiện các dự án, công trình, xây dựng cơ sở hạ tầng theo hình thức hợp tác công - tư...

Thủ tướng: Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nhân thuộc mọi thành phần kinh tế ảnh 3 Các doanh nhân tiêu biểu phòng chống dịch Covid-19

Thủ tướng cũng nêu rõ: khơi dậy nội lực, khuyến khích mạnh mẽ sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân trong nước, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghiệp chế tạo, công nghệ cao, công nghiệp công nghệ thông tin, hình thành các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế; tăng cường liên kết giữa khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, nhất là các tập đoàn đa quốc gia với doanh nghiệp trong nước trong phát triển chuỗi cung ứng của các ngành công nghiệp.

Chính phủ mong muốn cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam trau dồi bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp và văn hóa, đạo đức người kinh doanh; hoạt động tuân thủ pháp luật, quy định của Nhà nước; thể hiện mạnh mẽ vai trò xung kích, chiến sĩ đi đầu trên mặt trận phát triển; không ngừng đổi mới, sáng tạo để xây dựng thương hiệu, văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân, nâng cao năng lực cạnh tranh…

“Văn hóa soi đường quốc dân đi, văn hóa cũng soi đường doanh nhân tiến lên. Không có đạo đức doanh nhân, văn hoá kinh doanh thì không có phát triển bền vững, và doanh nhân, doanh nghiệp dù lừng lẫy đến đâu cũng sẽ biến mất. Do vậy, xây dựng văn hóa kinh doanh cần bắt đầu từ đạo đức doanh nhân, đây vừa là nhiệm vụ có tầm chiến lược, vừa là vấn đề cấp bách của giới doanh nhân Việt Nam”, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Năm nay cũng là năm đầu tiên đưa các chuẩn mực theo 6 quy tắc đạo đức doanh nhân do VCCI ban hành là tiêu chí hàng đầu để bình xét trao tặng danh hiệu doanh nhân tiêu biểu. Đó là các quy tắc: tạo ra giá trị kinh tế cho xã hội; tuân thủ pháp luật; minh bạch, công bằng, liêm chính; sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển; tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường; yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình.

Tin cùng chuyên mục