Thừa mà thiếu

Không cần thống kê cũng có thể thấy sự nở rộ của phong trào làm sân cỏ nhân tạo hiện nay ở TPHCM. Cứ thấy nhà nhà làm sân bóng đá mini cũng đủ hiểu tại sao đa số người dân chỉ quan tâm đến môn bóng đá. Tuy nhiên, thực tế, môn này chỉ phục vụ cho một nhóm đối tượng, lứa tuổi.

Đi một vòng quanh các điểm tập luyện thể thao tại các quận huyện ở TPHCM, chúng tôi ghi nhận một thực tế là ban ngày, số lượng người tập tại những nơi này rất hạn chế trong khi đêm về, cung không đáp ứng đủ cầu. Theo đánh giá của những người làm thể thao phong trào, người dân ngày càng có khả năng trả tiền cho hoạt động thể thao. Mở bao nhiêu cơ sở tập luyện, đào tạo cũng không đủ.

Nói cách khác, những đòi hỏi nâng cao chất lượng luyện tập ngày một lớn trong khi diện tích và quy mô phục vụ không hề tăng. Một phần vì không còn nhiều quỹ đất tại TP, một phần vì hiện tại, chúng ta vẫn chưa khai thác hết những gì mà ngành thể thao đang có.
 
Khảo sát 4-5 trung tâm thể thao nội thành, có thể thấy số phòng tập, lớp học có thu phí chỉ chiếm khoảng 1/10 diện tích sử dụng và đáp ứng chưa đến 1% nhu cầu của cư dân vùng lân cận. Đại đa số diện tích để trống hoặc dành cho hoạt động tổ chức sự kiện, có khi dành để đấu thầu khai thác kinh doanh giải khát.
 

Những sân chơi dành cho môn bóng rổ, bóng chuyền hay đường chạy đạt tiêu chuẩn tập luyện không còn tồn tại ở các trung tâm, thay vào đó là bãi giữ xe, quán cà phê hoặc tắt đèn tối om mỗi tối.
 
Cơ chế hiện nay giao cho các trung tâm thể thao tự hạch toán thu chi và theo phản ứng tự nhiên, đơn vị quản lý trung tâm chỉ điều tiết làm sao cho không thua lỗ. Ví dụ như tại Trung tâm TDTT Phú Thọ, ban ngày, cả một nhà tập luyện 4 tầng lầu khoảng 1.000m² không có người tập. Ban đêm chỉ sáng đèn ở những nơi có kinh doanh, thiếu hẳn hoạt động tập luyện thể thao mang tính cộng đồng trong khuôn viên.

Trung tâm Phú Thọ được đánh giá làm ăn hiệu quả nhờ tổ chức hội chợ chứ nguồn thu từ việc tập luyện, thu­ê sân bãi khá ít ỏi. Nhà thi đấu Phan Đình Phùng trước đây có 2 sân bóng rổ, nay có thêm 2 quán cà phê, 1 bãi giữ xe nhưng người đến tập luyện lại giảm đi 2/3 mỗi đêm!

Hiện tại, mảng xanh tại TP ngày càng co hẹp, một phần không gian tập luyện thể dục, thể thao phong trào chuyển vào các trung tâm thể thao được phân bổ đều cho các quận huyện. Thế nhưng, nếu ngay chính những trung tâm này cũng co hẹp quy mô, công năng dành cho cộng đồng, khó có thể nói phong trào thể thao TP đang phát triển.

Trên lý thuyết, càng nhiều người tập luyện miễn phí thể thao sẽ càng có nhiều người sẵn sàng trả tiền để nâng cao chất lượng tập luyện và từ đó, mới phát triển thể thao đỉnh cao. Phần đế càng rộng, phần đỉnh càng lớn.

Nhưng thực tế hiện nay, các trung tâm thể thao đang phải “ôm” nhiều chức năng, thiếu sự liên kết với các trường học, công ty để tăng thêm nguồn thu cũng như khai thác tối đa diện tích tập luyện nên thật khó để đáp ứng nhu cầu của người dân dù trả tiền hay chỉ mang tính cộng đồng.

VIỆT QUANG

Tin cùng chuyên mục