Thừa Thiên - Huế: Phát triển nền tảng số quốc gia về quản trị và kinh doanh du lịch

Nhằm cụ thể hóa các mục tiêu đề ra, Thừa Thiên - Huế đã và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin ở tất cả các ngành, lĩnh vực. Mới đây nhất, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế ban hành Kế hoạch số 245/KH-UBND thúc đẩy phát triển và sử dụng nền tảng số quốc gia về quản trị và kinh doanh du lịch trên địa bàn nhằm phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả giữa các cơ quan, ban ngành.

Tăng cường sử dụng nền tảng số quốc gia

Cùng với việc chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh chuyển đổi số; xây dựng Chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số, phục vụ tốt hơn các nhu cầu của doanh nghiệp, người dân, mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế ban hành Kế hoạch số 245/KH-UBND thúc đẩy phát triển và sử dụng nền tảng số quốc gia về quản trị và kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh này nhằm phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả giữa các cơ quan, ban ngành để triển khai kế hoạch phát triển nền tảng số quốc gia quản trị và kinh doanh du lịch.

Theo đó, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế khuyến khích, thúc đẩy các cơ quan, đơn vị quản lý và phát triển du lịch, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, các tổ chức quản lý điểm du lịch, khu di tích, văn hóa và các đơn vị liên quan tại Thừa Thiên - Huế đăng ký sử dụng nền tảng số quản trị và kinh doanh du lịch để chuyển đổi số, tối ưu hóa hoạt động, phân tích, đo lường sự phát triển du lịch tại địa phương và ra các quyết định, chính sách phát triển dựa trên dữ liệu số du lịch, hình thành hệ sinh thái văn hóa, du lịch số đa dạng, phong phú tại địa phương, gắn kết phát triển chuỗi sản phẩm du lịch với các địa phương khác, đồng thời để quảng bá, cung cấp các dịch vụ của mình và tạo ra các dịch vụ mới, dịch vụ số du lịch nhằm nâng cao trải nghiệm cho khách hàng...

Thừa Thiên - Huế: Phát triển nền tảng số quốc gia về quản trị và kinh doanh du lịch ảnh 1 Phát triển nhanh và bền vững theo hướng tăng trưởng xanh và chuyển đổi số là chiến lược phát triển xuyên suốt, bao trùm của tỉnh Thừa Thiên – Huế

Số dùng chung giữa cơ quan quản lý và nền tảng số để thúc đẩy chuyển đổi số: Số hóa, thu thập các dữ liệu số du lịch, thực hiện mở, chia sẻ dữ liệu, phối kết hợp dữ liệu số của nền tảng quản trị và kinh doanh du lịch để tạo kho dữ liệu dùng chung phục vụ chuyển đổi số công tác quản lý và thống nhất dữ liệu ngành du lịch.

Sử dụng nền tảng số quốc gia về quản trị và kinh doanh du lịch để hỗ trợ thống nhất và đồng bộ cơ sở dữ liệu ngành du lịch; giúp khai thác, chia sẻ và kết nối dữ liệu trên một nền tảng, bao gồm các dữ liệu cơ bản sau: Dữ liệu tài nguyên văn hóa, du lịch; Thông tin, dữ liệu về dịch vụ du lịch; Thông tin, dữ liệu về doanh nghiệp du lịch, lữ hành; Thông tin, dữ liệu về cơ sở lưu trú; Thông tin, dữ liệu về hướng dẫn viên du lịch; Thông tin về các sự kiện du lịch, văn hóa, giải trí; Hệ thống thông báo, đóng góp ý kiến, đánh giá, hỗ trợ du khách.

Thúc đẩy phát triển và sử dụng nền tảng số quốc gia về quản trị và kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh nhằm cung cấp đầy đủ thông tin và trải nghiệm trực tuyến cho khách du lịch trước khi thực hiện chuyến đi và trong khi thực hiện chuyến đi theo thời gian thực, giúp tối ưu hóa quản lý và phát triển du lịch dựa trên dữ liệu số, làm nền tảng đẩy nhanh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số của tỉnh nhà.

Đồng thời, số hóa dữ liệu ngành du lịch, cập nhật thường xuyên thông tin, dữ liệu số về khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch, thị trường du lịch nhằm dễ dàng nhận diện được bức tranh tổng quan ngành du lịch tỉnh nhà với dữ liệu thời gian thực (realtime); Thu thập, chuẩn hóa, mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở, hình thành nền tảng dữ liệu, tài nguyên du lịch tập trung phục vụ hoạch định chính sách, lập kế hoạch kinh doanh, tối ưu hóa, cải thiện chất lượng dịch vụ, tăng cường hoạt động quảng bá, truyền thông du lịch…

Chuyển đổi số để đột phá

Thừa Thiên - Huế: Phát triển nền tảng số quốc gia về quản trị và kinh doanh du lịch ảnh 2 UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế vừa ban hành Công văn hướng dẫn triển khai mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng 

UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa có buổi làm việc với Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) về thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số của địa phương này và lế hoạch hoạt động năm 2022 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Sở TT-TT tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, Thừa Thiên - Huế hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch hoạt động năm 2022 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; đã tham mưu Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số; kiện toàn Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh; ban hành Kế hoạch hoạt động năm 2022 và giai đoạn 5 năm của Ban Chỉ đạo; đặc biệt là hoàn thành nhiệm vụ triển khai ứng dụng nền tảng bản đồ số trước thời hạn được giao theo Kế hoạch hoạt động năm 2022 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số.

Tương tự, ông Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, chuyển đổi số là một trong những nội dung tỉnh Thừa Thiên - Huế quan tâm thực hiện để tạo bước đột phá trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, xác định việc thực hiện tổng thể, toàn diện chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến 2025, định hướng đến 2030 bắt đầu từ thay đổi tư duy, nhận thức của cán bộ công chức về Chuyển đổi số; ưu tiên Chuyển đổi số từ cấp xã một cách đồng bộ, số hóa dữ liệu đất đai, quy hoạch.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị thời gian tới, Cục Tin học hóa tiếp tục quan tâm hỗ trợ tỉnh trong công tác đào tạo nhân lực để thực hiện hiệu quả chương trình Chuyển đổi số; nghiên cứu cho triển khai thí điểm tại Thừa Thiên - Huế các nền tảng số Quốc gia trong năm 2022.

Đồng tình, Cục trưởng Cục Tin học hóa Đỗ Công Anh đánh giá cao những kết quả đã đạt được của tỉnh Thừa Thiên - Huế trong thời gian qua.

Cục trưởng Cục Tin học hóa Đỗ Công Anh cũng định hướng một số nội dung trong công tác xây dựng nội dung chiến lược chủ yếu để nâng cao nhận thức, tạo ra nền tảng hỗ trợ Chuyển đổi số của tỉnh Thừa Thiên - Huế trong thời gian tới, đồng thời cam kết sẽ ủng hộ và tạo điều kiện tối đa để hướng dẫn, hỗ trợ không chỉ cho Thừa Thiên - Huế mà tất cả các đơn vị, địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ thuộc Chương trình chuyển đổi số quốc gia; nâng cao chỉ số chuyển đổi số, triển khai ứng dụng các nền tảng số quốc gia;  tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia.

Thừa Thiên - Huế: Phát triển nền tảng số quốc gia về quản trị và kinh doanh du lịch ảnh 3 Khai trương Trung tâm Huế IoT Innovation Hub tại Huế

Triển khai mô hình tổ công nghệ số cộng đồng

UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế vừa ban hành Công văn hướng dẫn triển khai mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn tỉnh này.

Theo đó, Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn ra quyết định thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn quản lý.

Trong đó, mỗi thôn, tổ dân phố có thể thành lập 1 Tổ công nghệ số cộng đồng (Căn cứ điều kiện thực tế của địa phương để quyết định số lượng, quy mô của Tổ công nghệ số cộng đồng cho phù hợp trên địa bàn quản lý).

Tổ công nghệ số cộng đồng sẽ được bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ để có thể triển khai các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn người dân.

Tổ công nghệ số cộng đồng nhận chỉ tiêu về triển khai các nền tảng số và trực tiếp làm mẫu, bồi dưỡng, tập huấn, hướng dẫn lại cho cá nhân, hộ gia đình trong thôn, bản, tổ dân phố (ví dụ như: Mở gian hàng số, cài đặt ứng dụng Hue-S, sổ sức khỏe điện tử, ứng dụng PC-COVID, ứng dụng phản ánh hiện trường, dịch vụ công, thông tin đất đai, ...).

Tạo kế hoạch trên mạng lưới Tổ cộng nghệ số cộng đồng tại Hue-S và tạo nhóm Zalo gồm tất cả các hộ gia đình/người dân trong thôn, bản, tổ dân phố để hỗ trợ, tương tác, hướng dẫn thường xuyên.

Sau đó, Tổ công nghệ số cộng đồng sẽ cập nhật và gửi báo cáo định kỳ, thường xuyên qua mạng lưới Tổ cộng nghệ số cộng đồng trên Hue-S và nhóm Zalo kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ triển khai việc sử dụng nền tảng số, công nghệ số để chính quyền các cấp nắm bắt, chỉ đạo và xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc, bao gồm: Nhóm Zalo của tỉnh: Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, huyện, xã,...(do Sở Thông tin và Truyền thông lập); Nhóm Zalo của huyện: Ban Chỉ đạo cấp huyện, xã, ... (do huyện lập); Nhóm Zalo của xã: Ban Chỉ đạo cấp xã, Tổ công nghệ số cộng đồng,… (do xã lập); Nhóm Zalo của tổ: Tổ công nghệ số cộng đồng, người dân… (do Tổ công nghệ số cộng đồng lập).

Tin cùng chuyên mục