Tại hội thảo, GS-TS Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, cho rằng cần thêm “nhà thứ tư” là nhà đầu tư để phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực. Hiện nay hơn 95% doanh nghiệp là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hạn chế về nguồn lực nên sự song hành giữa các trường, viện nghiên cứu, doanh nghiệp là hết sức cần thiết và thêm nhà đầu tư sẽ giúp thương mại hóa sản phẩm tốt hơn. Nhiều ý kiến cho rằng các nghiên cứu trong trường ĐH trước đây thường mang tính kỹ thuật mà chưa chú ý khía cạnh thị trường. Điều này dẫn đến việc sản phẩm nghiên cứu ra tuy tốt nhưng giá thành quá cao, không được thị trường đón nhận, nên cần kết hợp chặt chẽ hơn giữa viện, trường, doanh nghiệp và nhà đầu tư; xác lập rõ quyền lợi, nghĩa vụ mỗi bên ngay từ khi bắt đầu dự án nghiên cứu.
Từ cuối năm 2018, UBND TPHCM đã ra quyết định về danh mục “Nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và Nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của TPHCM giai đoạn 2018-2020”. 7 nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực gồm: sản phẩm từ kim loại đúc sẵn; sản phẩm thiết bị điện; sản phẩm từ nhựa, cao su; sản phẩm thực phẩm chế biến; sản phẩm đồ uống; sản phẩm điện tử - công nghệ thông tin và sản phẩm trang phục may sẵn. Ngoài ra, nhóm sản phẩm thuốc, hóa dược và dược liệu được xác định là nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của thành phố.