Thực trạng sân khấu cải lương hôm nay

Bài 1: Thừa “vàng”, thiếu sàn diễn
Thực trạng sân khấu cải lương hôm nay

Bài 1: Thừa “vàng”, thiếu sàn diễn

Những người lôi cuốn, gắn kết khán giả đến với cải lương không ai khác chính là nghệ sĩ. Và nơi để các nghệ sĩ thể hiện tài năng thực sự của mình phục vụ công chúng không đâu khác là những sàn diễn. Vậy hiện nay, lực lượng nghệ sĩ thế nào, sàn diễn ra sao mà sân khấu cải lương vẫn mãi lao đao suốt một thời gian dài?

“Vàng”: Ngày càng nhiều

Từ nhiều năm qua, sân khấu cải lương (SKCL) luôn được bổ sung lực lượng trẻ qua các cuộc thi: Triển vọng Trần Hữu Trang, Diễn viên xuất sắc, Tài năng trẻ cải lương toàn quốc, Chuông vàng vọng cổ… Đến nay, nếu chỉ tính riêng số lượng các gương mặt diễn viên từng đoạt huy chương vàng các giải thưởng, có hơn 60 người. Thế nhưng, trên thực tế, số lượng diễn viên trẻ trụ được với nghề ngày càng ít.

Thậm chí có người từng giành nhiều huy chương vàng nhưng rốt cuộc chỉ dừng lại ở danh hiệu chứ chưa thể tỏa sáng ở một sân khấu nào. Còn với những huy chương vàng may mắn có được sàn diễn như: Mỹ Hằng, Lê Tứ, Thy Trang, Quỳnh Hương, Lê Hồng Thắm… ở Nhóm Thắp sáng niềm tin cũng chỉ đang hoạt động cầm chừng. Bởi, tuy có sàn diễn, nhưng các diễn viên này chưa được sự đầu tư thỏa đáng để có thể bật lên qua những vai diễn, vở tuồng mới.

Bên cạnh đó, có một nghịch lý đang tồn tại trong suốt mấy năm qua, là hầu hết gương mặt đoạt huy chương vàng đa phần rơi vào các cô đào và những… kép nhì, hiếm khi có một diễn viên nào có thể đảm nhận những vai kép chính, kép độc, đào lẳng hoặc vai diễn hài. Có lẽ, điều này đã khiến SKCL rơi vào tình trạng lực lượng diễn viên thừa vẫn thừa, thiếu vẫn thiếu là vậy!

Sàn diễn: Ngày càng ít

Thực trạng sân khấu cải lương hôm nay ảnh 1

Cảnh trong vở cải lương “Chiếc áo thiên nga”. Ảnh: AN DUNG

Nếu như trước đây, khi nhắc đến SKCL, người xem có thể kể tên hàng chục đoàn hát với nhiều phong cách khác nhau để tha hồ lựa chọn thưởng thức, như Sài Gòn 1, Sài Gòn 2, Sài Gòn 3, Hương Mùa Thu, Dạ Lý Hương, Phước Chung, Văn Công, Trung Hiếu… Nhờ có nhiều đoàn hát, nhiều sàn diễn, nên các nghệ sĩ thoải mái bộc lộ tài năng của mình.

Thế nhưng, hiện nay, cả thành phố chỉ còn duy nhất đơn vị công lập - Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang tồn tại, vì thế sàn diễn của các nghệ sĩ đã bị thu hẹp đáng kể.

Trước thực tế ấy, có nhiều nghệ sĩ linh động đứng ra thành lập những nhóm hát, đầu tư thực hiện chương trình, vở diễn theo phương thức xã hội hóa để hoạt động, hầu mong thoát qua cơn bĩ cực.

Trong số ấy, có thể kể đến Nhóm Thắp sáng niềm tin của Hoàng Song Việt, Hữu Quốc; Nhóm Sân khấu Vàng của đôi nghệ sĩ tài danh Minh Vương, Lệ Thủy; rồi các nhóm của nghệ sĩ Kim Tử Long, Vũ Luân, Tú Sương… thay nhau thắp sáng đèn ở rạp Hưng Đạo. Tuy nhiên, sự cố gắng ấy của các nghệ sĩ cũng đang gặp nhiều khó khăn trong việc kéo khán giả đến rạp xem hát. Đó là một thực tế rất đáng lo ngại.

Theo NSƯT Lệ Thủy, trước đây, một suất hát nếu bán chỉ một vài trăm vé là nghệ sĩ không muốn diễn, “bầu hát” phải trả vé, nhưng giờ thì chỉ mong đều đặn mỗi suất có vài trăm khán giả đến xem là mừng lắm rồi!

Khán giả: Thưa dần, tại sao?

Chắc chắn một điều, khán giả không bao giờ quay lưng với cải lương! Chẳng nói đâu xa, ngay như Cuộc thi “Chuông vàng vọng cổ” do Đài Truyền hình TPHCM và Công ty Kiết Tường phối hợp tổ chức, thu hút rất nhiều khán giả quan tâm, theo dõi.  Trước đó, những vở cải lương Kim Vân Kiều hay Chiếc áo thiên nga do Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang thực hiện, trình làng tại Nhà thi đấu Quân khu 7 cũng thu hút hàng ngàn lượt khán giả đón xem.

Rõ ràng, khán giả cải lương luôn đòi hỏi nghệ thuật cải lương phải luôn có cái mới – hay – lạ để họ thưởng thức chứ không thể nào sống hoài với cái cũ – đành rằng cái cũ hay chứ không dở – nhưng dù thế nào cũng vẫn chỉ là cái cũ mà thôi! Cho nên, chẳng trách, tại sao, thời gian qua, mỗi khi các nhóm hát thực hiện vở cũ dựng lại, diễn ở rạp Hưng Đạo cũng chỉ thu hút không quá đông khán giả là vậy.

Bên cạnh yếu tố không có vở diễn mới mang hơi thở thời đại, phù hợp với công chúng trẻ hôm nay, SKCL đang thiếu hấp dẫn khán giả vì thiếu những đôi đào kép diễn ăn ý. NSND Diệp Lang nói: “SKCL ngày xưa có những đôi đào kép rõ ràng, đó là linh hồn của đoàn hát, quyết định sự thành bại của một vở diễn.

Nhưng hiện nay, SKCL đang quá thiếu vắng những đôi đào kép như thế!”. SKCL hiện nay cũng hoàn toàn thiếu hụt những kép độc, đào lẳng. Nếu như trước đây, khán giả không thể nào quên vai diễn của các kép độc: Diệp Lang, Hoàng Giang, Hùng Minh thì nay, mỏi mắt tìm cũng chẳng thể nào thấy được một gương mặt trẻ kép độc cho SKCL tương lai. Đó là chưa kể thực trạng thiếu các danh hài mang lại tiếng cười sảng khoái, ý nhị cho công chúng. 

Chưa kể, đội ngũ tác giả – thầy tuồng, các danh cầm – nhạc sư cũng đang ngày càng mai một, hụt hẫng…  Theo đạo diễn – NSƯT Trần Minh Ngọc: “Đó là do công tác đào tạo chưa có một tầm nhìn chiến lược, phát triển đồng bộ.  Dù tôi là một thành viên trong ban nâng cấp cải lương, được giao viết đề án phát triển nhà hát và giao Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang thực hiện đề án này, thế nhưng, dường như đến nay công việc này đã đi vào quên lãng, không nghe nhắc đến nữa và cải lương cứ sống hoài với cái cũ…”.

Bài 2: Vực dậy cải lương, bắt đầu từ đâu?

Thực trạng của sân khấu cải lương (SKCL) ở TPHCM từ nhiều năm qua, đòi hỏi các ngành, các cấp, những người làm SKCL khẩn trương tìm kiếm nhiều giải pháp vực dậy nghệ thuật cải lương – đặc biệt là chủ trương nâng cấp cải lương của TP. Thế nhưng, đến nay, mọi việc chưa đâu vào đâu, SKCL vẫn mãi loay hoay sống hoài với cái cũ. Vậy muốn vực dậy nghệ thuật cải lương, phải bắt đầu từ đâu?

Từ chuyện đào tạo...

Thực trạng sân khấu cải lương hôm nay ảnh 2

Sân khấu cải lương đang thiếu những kép độc như NSND Diệp Lang (trái) và đào lẳng như nghệ sĩ Hồng Nga (phải). Ảnh: T.L.

Mặc dù, từ nhiều năm qua, TPHCM có trường lớp đào tạo diễn viên cải lương hẳn hoi, nhưng dường như những gương mặt thành danh trên sàn diễn cải lương hiện nay lại đa phần xuất thân từ các “lò” đào tạo Trần Hữu Trang, Đồng Ấu Bạch Long… Trong số ấy có thể kể đến các NSƯT: Thanh Thanh Tâm, Thoại Mỹ, Kim Tử Long, Hữu Quốc, Tấn Giao, nghệ sĩ Mỹ Hằng, Tâm Tâm, Tú Sương, Vũ Luân, Trinh Trinh, Quế Trân…

Thế nhưng, trên thực tế suốt mấy năm qua, các “lò” đào tạo này không còn hoạt động như trước. Vì vậy, chắc chắn một điều trong tương lai, SKCL sẽ hụt hẫng đội ngũ nghệ sĩ trẻ kế thừa.

Ngoài chuyện đào tạo đội ngũ nghệ sĩ trẻ kế thừa, theo tác giả Lê Duy Hạnh, Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM, vấn đề đào tạo những danh cầm trẻ, tác giả trẻ của SKCL cũng cần được quan tâm nhiều. Bởi chính tác giả, danh cầm giống như hai bờ của dòng sông, còn nghệ sĩ là nguồn nước chảy trong dòng sông ấy. Một dòng sông mà thiếu mất đôi bờ thì đâu còn là dòng sông nữa! Quả thật như vậy!

Sở dĩ trước đây, một thời SKCL thành công vang dội là nhờ có được những nhạc sư - danh cầm hay, thầy tuồng giỏi - có thể “đo ni đóng giày” sáng tác theo sở trường của các diễn viên để mỗi người có thể tỏa sáng qua vai diễn. Trong khi đó, hiện nay, SKCL không còn nhiều danh cầm và cũng chẳng còn mấy tác giả cải lương được xem như thầy tuồng của ngày xưa.

Cũng theo tác giả Lê Duy Hạnh, một diễn viên có thể được thiên phú làn hơi, chất giọng, tạo nên giọng ca hay, còn để có được một danh cầm giỏi đòi hỏi phải có quá trình luyện tập rất công phu. Theo NSND Diệp Lang, một giọng ca hay cộng với một dàn nhạc có những danh cầm giỏi sẽ mang đến cho khán giả một tiết mục thật thú vị, dễ hấp dẫn người xem. Có lẽ, đã đến lúc, chúng ta phải nhìn nhận lại công tác đào tạo đội ngũ trẻ kế thừa từ diễn viên cho đến tác giả, danh cầm.

...đến cơ sở vật chất

Mặc dù điều này đã từng được dư luận phản ánh từ nhiều năm qua, thế nhưng hiện nay nơi dành cho các nghệ sĩ cải lương biểu diễn duy nhất là rạp hát Hưng Đạo lại quá cũ kỹ, lạc hậu, ẩm ướt. Chưa kể, dù được xem là một rạp hát, nhưng khán giả ngồi xem nghệ thuật có những lúc phải giật thót người vì chuột chạy dưới chân. Có lẽ, điều này cũng là một trong những yếu tố khiến cho chương trình SKCL phục vụ khách du lịch của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang trong thời gian qua bị thất bại. Bởi với một rạp hát như thế, không gian thưởng thức nghệ thuật như vậy, thử hỏi công ty du lịch nào dám đưa du khách đến xem?

Một khi với cơ sở vật chất yếu kém, các nghệ sĩ, đạo diễn dù cho có muốn sáng tạo cũng phải… chào thua! Ngay như nữ đạo diễn – NSƯT Hoa Hạ, khi bắt tay vào thực hiện hai vở cải lương bạc tỷ: Kim Vân Kiều và Chiếc áo thiên nga, chị cũng không dám thực hiện ở rạp hát Hưng Đạo mà phải thuê nơi khác, bởi ở đây không thể nào “tải” hết ý tưởng và 500 diễn viên, nghệ sĩ, ca sĩ tham gia biểu diễn.

Chị tâm sự: “Khi không có được rạp hát hiện đại, anh em làm nghệ thuật cải lương phải đi thuê mướn một số nơi khác làm sàn diễn với chi phí khá cao, chưa kể thời gian được phép vào tập luyện cũng không được nhiều và ý tưởng thực hiện các kỹ xảo làm cho cải lương hấp dẫn hơn cũng bị hạn chế rất nhiều”.

Từ thực tế ấy, đòi hỏi một rạp hát hiện đại dành cho loại hình nghệ thuật truyền thống cải lương là một nhu cầu cấp thiết. Theo đạo diễn – NSƯT Trần Ngọc Giàu, Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM: “Muốn vực dậy cải lương, ngoài công tác đào tạo đội ngũ sáng tạo, vấn đề phát triển cơ sở vật chất hết sức quan trọng. Một khi đội ngũ sáng tạo có được “thánh đường” đúng nghĩa để làm việc thì mới có thể phát huy hết tài năng của họ. Cho nên thiếu cơ sở vật chất hiện đại chẳng những gây khó khăn cho sự sáng tạo của các nghệ sĩ, đạo diễn mà còn làm cho khán giả bị thiệt thòi rất nhiều trong thưởng thức nghệ thuật…”.

Tương lai khởi sắc?

Trước thực trạng SKCL hiện nay, vừa qua, Thành ủy, UBND TPHCM cùng các sở, ngành chức năng của TPHCM đã có buổi làm việc với Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang về “Tiến độ, khó khăn vướng mắc trong giải quyết dự án nâng cấp rạp hát Hưng Đạo thành Trung tâm Nghệ thuật cải lương của TP; các giải pháp phát triển Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang và nghệ thuật cải lương tại TPHCM”. Theo ông Phan Quốc Hùng, Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang: “Qua buổi làm việc này, SKCL hứa hẹn sẽ khởi sắc hơn.

Có nhiều vấn đề nêu ra đã được lãnh đạo TP chỉ đạo thực hiện, trong đó, đáng chú ý là chuyện xây dựng mới rạp hát Hưng Đạo và đào tạo lực lượng trẻ kế thừa. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua chỉ đạo: “Từ nay đến tháng 1-2009 phải hoàn thành công việc điều chỉnh dự án xây mới rạp hát Hưng Đạo (dự kiến vốn đầu tư hơn 90 tỷ đồng – PV). Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, phải giải quyết ngay. Về công tác đào tạo đội ngũ kế thừa, chấp thuận cho nhà hát khôi phục lại việc mở lớp đào tạo theo kiểu truyền nghề trước đây (từng gầy dựng cho TP những gương mặt nghệ sĩ trẻ Thoại Mỹ, Thanh Thanh Tâm, Kim Tử Long - PV); phải đầu tư sáng tác cho tác giả, đạo diễn...

Nếu cần, chúng ta có thể đặt hàng để có được những tác phẩm hay phục vụ công chúng”. Cũng tại cuộc họp này, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu Hà chỉ đạo: “Trong khi xây mới rạp hát Hưng Đạo, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang chuyển về hoạt động ở rạp hát Thủ Đô. Vì thế phải sớm lên kinh phí sửa chữa mới rạp hát Thủ Đô để các nghệ sĩ có nơi biểu diễn tốt nhất.

Còn về công tác đào tạo, nhà hát cần quan tâm đến chính sách đãi ngộ dành cho các thầy cô giáo – những người góp phần đào tạo nên các tài năng trẻ của nghệ thuật cải lương…”. NSND Diệp Lang, một trong số ít nghệ sĩ được mời tham dự cuộc họp với lãnh đạo TP, tâm sự: “Qua những chỉ đạo của lãnh đạo TP, chúng tôi thấy rất ấm lòng và mong rằng, sau cuộc họp này, SKCL TP sẽ có những bước chuyển biến đáng kể…”.

Rõ ràng với thực trạng của SKCL hiện nay, lãnh đạo của TP đã có những quan tâm, chỉ đạo cụ thể, vấn đề là trong tương lai Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang thực hiện thế nào, có đủ lực để vực dậy nghệ thuật cải lương hay không? Đó là điều mà những ai quan tâm đến SKCL đều mong mỏi, chờ đợi… 

Đỗ Hạnh

Tin cùng chuyên mục