Sau 2 năm đi vào cuộc sống, Luật thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) đã trở nên lạc hậu và bộc lộ nhiều bất hợp lý, không theo kịp diễn biến phức tạp của thị trường. Điều này đã được công luận và các chuyên gia kinh tế lên tiếng, phản ánh rất nhiều trong thời gian gần đây.
Áp lực về giá cả tăng nhanh và lạm phát cao đến 2 con số (11,75%) đã khiến đời sống của đại bộ phận người lao động gặp khó khăn, chất lượng sống giảm sút. Vì thế, trong bối cảnh lạm phát cao như hiện nay, việc áp dụng mức khởi điểm thuế thu nhập (5 triệu đồng, mức giảm trừ bản thân cho người nộp: 4 triệu đồng, giảm trừ gia cảnh 1,6 triệu đồng/người) gây thiệt thòi cho người nộp thuế.
Khảo sát những đối tượng có thu nhập bình quân khá, khoảng 6-8 triệu đồng/tháng và tổng thu nhập của những cặp vợ chồng đạt trên 10 triệu đồng/tháng ở TPHCM cho thấy, họ phải chi tiêu tằn tiện, tiết kiệm thì mới tạm đủ trang trải cho cuộc sống đắt đỏ đô thị.
Với diễn biến giá cả tăng từng ngày, trong đó dịch vụ, nhiều mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm, sữa tăng cao, thậm chí gấp 1,5 đến 2 lần so với cách đây 2-3 năm, thu nhập được gọi là khá ở TPHCM cũng chỉ đủ đáp ứng nhu cầu tối thiểu và hầu như không có tích lũy để đầu tư cho bản thân.
Tuy phải nộp thuế TNCN với số tiền không lớn - 100.000-200.000 đồng/người/tháng đối với người có thu nhập bình quân 6-7 triệu đồng/tháng nhưng phần đông có tâm lý bị tận thu và chưa thể hiện sự công bằng trong đóng thuế thu nhập cá nhân.
Quan điểm của Luật Thuế TNCN là mở rộng đối tượng chịu thuế và đưa ra mức tính thuế hợp lý. Thế nhưng, đến nay diện nộp thuế TNCN không tăng bao nhiêu và mức khởi điểm chịu thuế thì lạc hậu, không phù hợp với diễn biến phức tạp của thị trường giá cả, lạm phát tăng quá cao.
Một vấn đề cần được xem xét để tạo sự công bằng trong đóng thuế TNCN là còn có rất nhiều đối tượng có thu nhập cao, không bị kiểm soát bởi hệ thống tín dụng như bác sĩ làm ngoài giờ, ca sĩ “chạy sô”, giáo viên dạy thêm, nguồn thu nhập không chính thức khác… Chính vì thế, việc lắng nghe dư luận và kịp thời điều chỉnh Luật thuế TNCN là việc cần được ngành chức năng, cụ thể là Bộ Tài chính sớm xem xét, kiến nghị Quốc hội sửa đổi trong năm 2011.
Nhìn lại việc xây dựng Luật thuế TNCN tốn nhiều thời gian, công sức nhưng mới đi vào cuộc sống nó đã thể hiện sự lạc hậu, bất cập và không được người nộp thuế đồng tình. Chính vì thế, việc sửa luật này theo yêu cầu của xã hội đòi hỏi sự nghiên cứu, đánh giá lại toàn bộ đạo luật để đưa ra hướng sửa đổi cho phù hợp với tình hình lạm phát, diễn biến phức tạp của giá cả chung và toàn cầu.
Như thế, cần cân nhắc kỹ để đưa ra con số cụ thể về mức thuế suất, khởi điểm chịu thuế nhưng khung chịu thuế nên mở rộng và có độ mở linh hoạt, không nên quy định cứng nhắc. Do mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định và được điều chỉnh định kỳ, nhiều ý kiến đề nghị nên áp mức khởi điểm đóng thuế TNCN gấp 10 lần lương tối thiểu và mức tiếp theo là 12-20 lần và mức giảm trừ cho người phụ thuộc bằng 3 lần mức lương tối thiểu…
NHẬT ANH (TPHCM)