Thương hiệu Cần Giuộc trong thu hút đầu tư

Với vị trí địa lý đắc địa, tài nguyên đất đai dồi dào, cơ sở hạ tầng được chú trọng, môi trường đầu tư thông thoáng… những năm gần đây huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An) trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Cần Giuộc sở hữu Cảng quốc tế Long An với nhiều triển vọng
Cần Giuộc sở hữu Cảng quốc tế Long An với nhiều triển vọng

Khai thác tốt lợi thế

Cần Giuộc cách trung tâm TPHCM chỉ khoảng 20km; ngoài các tuyến giao thông đường bộ ngày càng hoàn thiện, còn có tuyến sông Cần Giuộc nối liền các tỉnh ĐBSCL với TPHCM, sông Soài Rạp đi qua huyện Cần Giuộc và ra Biển Đông. Việc hoàn thiện và đưa vào khai thác hệ thống đường thủy từ bến phà Cần Giờ nối Cần Giuộc với TPHCM, Cảng quốc tế Long An có gần 100 chuyến tàu cập bến mỗi ngày, đã biến Cần Giuộc từ một vùng quê khó khăn về mọi mặt thành miền đất hứa đầy tiềm năng.

Long An có 28 KCN và 32 CCN ở các huyện Cần Giuộc, Đức Hòa, Bến Lức… Trong đó, huyện Cần Giuộc sở hữu Cảng quốc tế Long An (147ha) cùng nhiều KCN quy mô lớn, nhiều khu nhà xưởng lớn nhỏ với hơn 40.000 lao động. Đặc biệt, Cần Giuộc còn nằm gần Cảng quốc tế Hiệp Phước, là siêu dự án trọng điểm được định hướng trở thành đô thị cảng biển lớn và hiện đại bậc nhất Đông Nam Á.



 UBND TPHCM cũng vừa chấp thuận quy hoạch đô thị Cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) thành 1 trong 5 đô thị vệ tinh của thành phố. Trong khi đó, đề án quy hoạch vùng hiện nay cũng xác định 3 huyện: Bến Lức, Cần Giuộc và Đức Hòa của tỉnh Long An sẽ là đô thị vệ tinh của TPHCM cùng phát triển song hành. Đầu năm 2020, Cần Giuộc đón thêm 5 cụm công nghiệp (CCN) trọng điểm với tổng quy mô hơn 260ha tại xã Phước Vĩnh Đông và xã Tân Tập. Thống kê cho thấy, hơn 10 năm qua, huyện Cần Giuộc đã biến lợi thế thành hiện thực khi trở thành một trong những địa phương có tốc độ phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ hàng đầu của tỉnh Long An. 

Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Chủ tịch UBND huyện Cần Giuộc, phấn khởi: “Các dự án xúc tiến đầu tư phát triển vùng kinh tế trọng điểm, cùng hàng loạt công trình hạ tầng, kỹ thuật được triển khai, như Cảng quốc tế Long An, đường Vành đai 4, trục động lực TPHCM - Tiền Giang và chương trình liên kết hợp tác với các địa phương giáp ranh… đã tạo thuận lợi để Cần Giuộc bứt phá”. Tính đến tháng 3-2021, Cần Giuộc được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương, quyết định chủ trương đầu tư 90 dự án về KCN, CCN, đô thị, dân cư, dịch vụ… với tổng diện tích trên 3.700ha. 

Với tiềm năng và thế mạnh hiện có của Cần Giuộc, nhiều doanh nghiệp lớn không ngần ngại đầu tư vào đây. Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT Đồng Tâm Group, bộc bạch: “Chúng tôi đầu tư vào Cảng quốc tế Long An để làm đầu tàu cho việc phát triển logistics tại địa phương. Không chỉ thế, hiện tôi cùng một số doanh nghiệp đang ấp ủ thực hiện đề án “Tàu buýt container”. Với mạng lưới sông ngòi dày đặc, khi đề án này được thực hiện sẽ tạo một hệ thống vận tải đường thủy kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, kích thích phát triển toàn diện cho tương lai không chỉ của Long An, vùng ĐBSCL, mà còn là sự phát triển chung của cả nước”.

Khu kinh tế tương lai 

Ông Bùi Đào Thái Trường, Phó Tổng Giám đốc Roland Berger khu vực Đông Nam Á, Tổng Giám đốc Roland Berger Việt Nam, cho rằng: việc nghiên cứu thành lập Khu kinh tế Long An tại huyện Cần Giuộc và một phần của huyện Cần Đước, với diện tích trên 32.000ha, là rất thích hợp. Phía Đông giáp huyện Nhà Bè (TPHCM) và sông Soài Rạp, phía Tây giáp ĐT 826 và ĐT 833B, phía Nam giáp sông Vàm Cỏ, phía Bắc giáp huyện Bình Chánh (TPHCM), Khu kinh tế Long An có lợi thế vị trí và quy mô để tận dụng nguồn vốn FDI từ các nước, với nhu cầu sử dụng đất ngày càng cao. 

“Đây sẽ là một trong những khu kinh tế lớn nhất khu vực Nam bộ, được xây dựng trên nền tảng các KCN, công nghệ cao có sẵn; đồng thời là thời điểm thích hợp để đón xu thế chung là dịch chuyển và mở rộng về Đông Nam Á. Nhờ vị trí chiến lược và quỹ đất dồi dào, khu kinh tế này có thể trở thành khu “siêu kinh tế” kết nối các khu vực quan trọng trong và ngoài nước”, ông Bùi Đào Thái Trường khẳng định.

Ông Nguyễn Văn Được, Bí thư Tỉnh ủy Long An nhìn nhận: Tỉnh đang mạnh dạn định hướng hình thành khu kinh tế công nghệ cao trên địa bàn và gắn với xây dựng đô thị thông minh theo mô hình kiểu mẫu của Hàn Quốc để làm nơi thu hút, ươm tạo các dự án công nghệ cao. Hiện Long An đang chú trọng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh... Đặc biệt, tỉnh đang mời gọi đầu tư vào khu vực kho vận và dịch vụ logistics tại Cảng quốc tế Long An, với vốn dự kiến 455 triệu USD qua hình thức liên doanh, đầu tư trực tiếp… 

Tin cùng chuyên mục