Các nhà khoa học Mỹ vừa đạt được thành tựu mới trong lĩnh vực tiêm chủng, theo đó đã nghiên cứu được miếng dán vaccine - đưa vaccine vào cơ thể mà không cần đến kim tiêm theo kiểu truyền thống.
Theo BBC, miếng dán vaccine được nghiên cứu bởi Đại học Emory và Viện Công nghệ Georgia gồm hàng trăm chiếc kim siêu nhỏ, có chiều dài 0,65mm và chứa sẵn vaccine. Khi được dán lên da, những chiếc kim này có thể thẩm thấu qua da đồng thời đưa lượng vaccine vào cơ thể mà không gây đau đớn hay chảy máu do chúng có tiết diện quá nhỏ.
Sau khi thí nghiệm lên chuột, các nhà khoa học còn nhận thấy sau 3 tháng, lứa chuột được tiêm chủng bằng miếng dán sinh ra kháng thể nhiều hơn so với những con chuột được tiêm theo cách truyền thống.
Theo chủ nhiệm công trình nghiên cứu, nhà khoa học Sean Sullivan của Viện Công nghệ Georgia, ưu điểm của miếng dán này là góp phần giảm đau, giảm lượng vaccine đưa vào cơ thể mà vẫn tạo được miễn dịch. Lượng vaccine đưa vào cơ thể ít hơn sẽ rất hữu ích trong trường hợp xảy ra đại dịch cúm và lượng vaccine sản xuất không đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng.
Hơn nữa, việc không phải sử dụng kim tiêm rất thuận tiện cho người sử dụng, có thể tiến hành tiêm chủng tại nhà mà không cần đến các trung tâm y tế.
V.C.