Những bông hoa dưới mái trường thân yêu

Tiếp bước chặng đường phát triển

Tiếp bước chặng đường phát triển

Ngày 3-6, ngành giáo dục-đào tạo TPHCM đã tổ chức Đại hội thi đua yêu nước giai đoạn 2000-2005, tổng kết một giai đoạn phát triển mới của ngành. 14 tập thể và 21 cá nhân xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ trong nhiều năm liền là những tấm gương dạy tốt, học tốt – những “bông hoa” điển hình của ngành GD-ĐT đã và đang âm thầm đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố.

  • Những ngôi trường mang tầm vóc mới

Nếu như người Sài Gòn xưa từng tự hào về ngôi trường Pétrus Ký, nơi xuất phát các phong trào biểu tình của học sinh thanh niên chống ngoại xâm và cũng là nơi sản sinh nhiều nhà lãnh đạo cách mạng, thì người dân TPHCM hôm nay rất tự hào trước những thành tích mà Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đã dày công vun đắp.

Tiếp nối truyền thống học tập của học sinh Pétrus Ký xưa, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đã được chọn làm trung tâm chất lượng cao miền Nam và trường chuẩn quốc tế. Chất lượng đào tạo của trường đã được khẳng định đến mức đã có 118 đoàn trong nước và 69 đoàn nước ngoài đến học hỏi và trao đổi kinh nghiệm với trường.

Tiếp bước chặng đường phát triển ảnh 1

Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Hải trao bằng khen cho các cá nhân có nhiều thành tích trong sự nghiệp phát triển giáo dục TPHCM nhiều năm qua.

Không có nhiều truyền thống như Trường PTTH chuyên Lê Hồng Phong, nhưng những học sinh của Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền đều mang niềm tự hào bởi ngôi trường ngày càng được nhìn nhận là một trung tâm đào tạo học sinh giỏi. Số học sinh giỏi đạt thành tích cao và thi đậu đại học của trường ngày càng nhiều.

Tuy có tiếng trong khối tiểu học là ngôi trường nề nếp, học sinh ngoan, học giỏi, nhưng không ai biết rằng học sinh của Trường Tiểu học Nguyễn Thái Sơn (Q3) lại là con em của những địa danh nghèo như xóm Hầm Sỏi, Cù Lao, Nhà đèn, xóm kênh Nhiêu Lộc… của phường 8, quận 3.

Với những biện pháp như phân chia đều tháng sinh trẻ vào lớp 1, phân đều đối tượng học sinh lên lớp 2 và lớp 4, Trường Tiểu học Nguyễn Thái Sơn đã thực hiện chủ trương không còn trường chuyên lớp chọn, giúp học sinh phát triển khả năng giao tiếp và cũng là bước để giáo viên thể hiện bản lĩnh năng lực giảng dạy.

Bằng những nỗ lực nâng cao chất lượng dạy-học cho học sinh, TP đang ngày càng có nhiều ngôi trường ghi danh vào danh sách thành tích của ngành giáo dục và để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng người dân TP như Trường PTCS Nguyễn Du (Gò Vấp), Hoa Lư (Q9), Lê Văn Tám (Q.Bình Thạnh), Trường Tiểu học Minh Đạo (Q1), Phan Chu Trinh (Tân Phú)…

  • Yêu thương, chia sẻ...

Mang sức trẻ và lòng nhiệt huyết, đã có những giáo viên không quản khó khăn, vất vả đem “con chữ” về những xã xa của thành phố. Cô Lương Thị Mỹ Lệ, Trường Tiểu học Long Thạnh, huyện Cần Giờ, là một trong những người như vậy. Cô nhớ lại: Trường, lớp của Cần Giờ vào những năm 80 chỉ là những dãy nhà lá đơn sơ, lụp xụp. Các em đến trường trong nỗi trăn trở vì đói nghèo của cha mẹ.

Trong lòng ngổn ngang, tôi mong muốn tạo được một môi trường học tập giúp các em phát triển, vui chơi thoải mái như bao trẻ em khác”. Biến nỗi trăn trở ấy những hành động thiết thực, cô Mỹ Lệ bỏ công chăm chút đầu tư cho giáo án, làm cho những tiết học luôn hấp dẫn, sinh động.

Song song đó, cô còn đến tận nhà tìm hiểu gia cảnh HS yếu kém, nghỉ học để có hướng giáo dục phù hợp với các em. “Phải biết yêu thương và chia sẻ khó khăn với các em”. Phương châm giản dị hơn 20 năm đứng trên bục giảng của cô Mỹ Lệ cũng chính là tâm niệm của 21 thầy cô nhận bằng khen của UBND TP trong ngày 3-6.

  • “Cám ơn thầy cô...”

“Cám ơn thầy cô và gia đình đã chắp cánh cho em đạt được những thành tích tốt trong học tập, những ước mơ”. Những “bông hoa” trong đại hội thi đua ngành GD đã bày tỏ lòng tri ân đối với thầy cô giáo của mình. Em Nguyễn Đăng Khoa, huy chương bạc Olympic toán quốc tế, giải nhất toàn quốc môn toán, cho biết: “Em yêu thích toán từ hồi còn học ở Trường Tiểu học Bến Cảng.

Sau khi đậu vào Trường Phổ thông Năng khiếu, em bước vào một môi trường mới, rất chủ động và cạnh tranh. Các thầy cô giỏi của trường luôn hướng dẫn phương pháp học hợp lý giúp em có nền tảng kiến thức vững chắc và những tiến bộ vượt bậc”. Những “bảng vàng” lấp lánh của các em còn là kết quả của sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng.

Như Đỗ Lâm Hoàng, giải nhất cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia lần V, chuẩn bị cho cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia, em đã tự sưu tập 7.000 câu hỏi về kiến thức khoa học tự nhiên và xã hội. Chiến thắng của Hoàng đã làm “nức lòng” hàng triệu người dân thành phố khi lần đầu tiên, TP có HS giành vòng nguyệt quế trong cuộc thi.

“Giỏi nhưng không kiêu căng, tự mãn”, Nguyễn Khánh Ánh Hoàng, HS Trường THCS Ngô Tất Tố, quận Phú Nhuận, mới 13 tuổi “ẵm” 20 giải thưởng trong nước và quốc tế. Em cho biết bản thân luôn khắc ghi lời dạy của Thủ tướng Phan Văn Khải và tâm sự: “Những thành tích con đạt được mới chỉ là những điểm son đầu đời, con phải còn cố gắng nhiều hơn nữa trong học tập và trau dồi đạo đức để không phụ lòng cha mẹ, thầy cô và mọi người đã dành nhiều sự quan tâm cho con”.

Những bông hoa trong ngành GD TPHCM sẽ còn tiến những bước thật xa…  

THẢO - DOANH

Tin cùng chuyên mục