* ĐBSCL: Cảnh báo 142 đoạn sông sạt lở nguy hiểm vào mùa mưa lũ
Các tỉnh vùng ĐBSCL đang triển khai nhiều công trình tôn nền, đắp bờ bao và xây dựng thêm hàng chục ngàn căn nhà ở những cụm tuyến dân cư vượt lũ để bố trí cho khoảng 30.000 hộ dân còn ở các vùng bị ngập bên ngoài vào sống trong các cụm tuyến dân cư trước khi nước lũ về trong tháng tới.
Các địa phương còn tạo cơ chế thoáng giúp các hộ dân có thể xây dựng được nhà ở ngay sau khi nhận nền nhà như hợp đồng bảo lãnh với các đại lý bán vật liệu xây dựng tại địa phương bán vật tư cho các hộ dân nằm trong diện vượt lũ, sau khi dân xây dựng và nghiệm thu nhà xong thì chính quyền sẽ thanh toán lại cho các đại lý theo tiêu chuẩn 9 triệu đồng/căn.
Đến nay, 12 tỉnh vùng ĐBSCL đã có 812/820 dự án xây dựng cụm tuyến dân cư vượt lũ, xây dựng được hạ tầng kỹ thuật thiết yếu như tôn nền, đắp bờ bao, xây dựng đường giao thông nội bộ, hệ thống điện nước... Các cụm tuyến dân cư vượt lũ đã xây dựng được trên 83.283 căn nhà và bố trí cho 118.900 hộ dân vào sinh sống... Tổng vốn đã thực hiện cho các dự án trên lên đến 3.300 tỷ đồng.
ĐBSCL hiện có 142 đoạn sông (chủ yếu trên sông Tiền và sông Hậu) sạt lở nguy hiểm, nhất là khi bước vào mùa mưa lũ. Tại tỉnh Đồng Tháp, có 84 điểm sạt lở với tổng chiều dài hơn 160km, thuộc 42 xã phường, thị trấn. Huyện Thanh Bình, Hồng Ngự, thị xã Sa Đéc… là những điểm nóng về sạt lở.
Tỉnh An Giang có 42 điểm cảnh báo sạt lở nguy hiểm dọc bờ sông Tiền, sông Hậu và sông Vàm Nao; tập trung nhiều nhất tại khu vực huyện Chợ Mới, huyện Tân Châu, huyện An Phú và TP Long Xuyên. Tại TP Cần Thơ gần đây xuất hiện thêm nhiều điểm sạt lở mới tại quận Bình Thủy, Phong Điền, Ninh Kiều… cuốn trôi nhiều nhà dân.
H.ANH - B.ĐẠI