Có người nói: Hãy là người tiêu dùng thông thái, tức là khi mua sắm, sử dụng bất cứ mặt hàng nào, người tiêu dùng cũng cần biết rõ mọi ngóc ngách, mọi khía cạnh, nói tóm lại là biết “tất tần tật” - từ xuất xứ đến chất lượng của sản phẩm. Điều đó không sai, nhưng e rằng khó có thể trở thành hiện thực ngay đối với đại đa số người tiêu dùng nước ta hiện nay. Đặc biệt là trong bối cảnh hàng nhập lậu, hàng gian, hàng giả tràn lan, số lượng ngày càng tăng trong khi chất lượng ngày càng giảm! Cho nên, trước hết xin hãy là người tiêu dùng thận trọng. Sự thận trọng, cùng với sự hiểu biết về sản phẩm trong khi mua sắm sẽ giúp người tiêu dùng nhận biết đâu là thật, đâu là giả, tránh cảnh “tiền mất tật mang” khá phổ biến hiện nay.
Nhiều năm qua, cứ vào dịp cuối năm, giáp tết, các loại hàng gian, hàng giả, hàng lậu lại ồ ạt tràn về, không chỉ ở các đô thị mà ngay cả các vùng nông thôn xa xôi, hẻo lánh cũng cùng chung cảnh ngộ. Mặc dù hầu hết các loại hàng này đều không được bảo hành, không qua kiểm định chất lượng, nhưng với mức giá “bèo”, phục vụ tận nơi, nó vẫn dễ dàng được những người tiêu dùng có thu nhập thấp chấp nhận.
Không chỉ gây thiệt hại về vật chất, các loại hàng gian, hàng giả còn là nguy cơ đối với sức khỏe của người tiêu dùng, đặc biệt là các loại bánh kẹo, mứt, thực phẩm chế biến… Do không được kiểm soát, kiểm định về chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm nên đây thực sự là nguy cơ đối với sức khỏe con người.
Thời gian qua, mặc dù một số cơ quan chức năng đã có nỗ lực trong việc ngăn chặn, phát hiện và xử lý các vụ vận chuyển, mua bán hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng. Tuy nhiên, các loại hàng hóa này vẫn tồn tại và xâm nhập sâu vào mọi ngõ ngách, từ đô thị lớn đến các vùng nông thôn. Ngoài ra, một lượng lớn hàng lậu vẫn ùn ùn tràn qua biên giới, trong đó có không ít hàng lậu đã lọt “lưới” kiểm soát của lực lượng chức năng tại các cửa khẩu, tác động tiêu cực đến thị trường trong nước.
Rõ ràng, trong công tác quản lý đã bộc lộ nhiều sơ hở khiến các đối tượng buôn bán hàng gian, hàng giả, hàng nhập lậu lợi dụng và khai thác triệt để. Trong đó, điểm mấu chốt - theo nhiều chuyên gia về phòng, chống buôn lậu - vẫn là con người. Nếu chúng ta xây dựng được một đội ngũ cán bộ - công chức có tinh thần trách nhiệm, trong sáng, không thỏa hiệp với kẻ xấu thì hàng gian, hàng giả, hàng lậu khó có thể tràn qua các cửa khẩu một cách ồ ạt như thời gian qua.
Trách nhiệm thuộc về các cơ quan chức năng, đến nay vẫn chưa được xử lý rốt ráo, nhưng hậu quả thì người tiêu dùng lại lãnh đủ và vẫn tiếp tục phải gánh chịu! Không chỉ mất tiền, nhiều người - kể cả trẻ em còn bị mắc bệnh do sử dụng các loại sản phẩm có chứa chất độc hại. Thiệt hại này không thể tính bằng tiền và có thể tạo ra các di chứng về sau. Gánh nặng đè lên các gia đình và xã hội là hết sức nặng nề.
Có lẽ người tiêu dùng nên “tự cứu” mình trước khi có thể bị biến thành nạn nhân của các sản phẩm độc hại. Người tiêu dùng nên thận trọng và tìm hiểu kỹ càng trước khi quyết định lựa chọn sản phẩm, nhất là các loại thực phẩm phục vụ bữa ăn hàng ngày. Điều không khó và có thể thực hiện được ngay là người tiêu dùng hãy nói không với các sản phẩm có xuất xứ không rõ ràng, không ghi rõ tên, địa chỉ nhà sản xuất hoặc lập lờ về các tiêu chuẩn của sản phẩm.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần củng cố tổ chức, xây dựng lại đội ngũ để làm tốt hơn nhiệm vụ ngăn chặn, phát hiện và xử lý các vụ sản xuất, vận chuyển hàng gian, hàng giả, hàng lậu. Các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng và các cơ quan truyền thông vào cuộc mạnh mẽ hơn để tuyên truyền, hướng dẫn cho người tiêu dùng biết cách phân biệt đâu là hàng thật, đâu là hàng “đểu”…
Người tiêu dùng có quyền lực to lớn nếu phần lớn trong số họ có chung nhận thức và ý chí. Sự quay lưng của người tiêu dùng cũng đồng nghĩa với sự cáo chung của những sản phẩm kém chất lượng. Trước khi trở thành những người tiêu dùng thông thái, chúng ta hãy thận trọng và sáng suốt hơn khi quyết định mua một sản phẩm nào đó. Đây không chỉ là hành động đúng đắn để tự bảo vệ mình mà còn là trách nhiệm với cộng đồng, đặc biệt là với các thế hệ tương lai.
TÔ NGUYỄN