Khép lại năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chuyển một thông điệp mạnh mẽ, dứt khoát rằng Chính phủ nhiệm kỳ mới sẽ là “Chính phủ kiến tạo” thực sự vì dân. Điều này đã được Thủ tướng nhắc lại nhiều lần ở bất kỳ nơi nào xuất hiện, từ các cuộc họp Chính phủ đến phát biểu tại các hội nghị, những lần xuống địa phương; nhưng trong dịp chuyển giao năm cũ và mới, cụm từ trên có sức lay động đặc biệt, thổi hơi ấm vào mỗi trái tim Việt đã phải chứng kiến quá nhiều những biến động của “một thời đạn bom, một thời hòa bình”.
Cũng biết rằng mọi thứ đều có thời gian của mình. Thời gian làm rỉ máu các vết thương, thời gian hàn gắn những vết thương. Có thời gian dài chúng ta cứ ngỡ rằng thế giới đã phẳng phiu, có sự dịch chuyển tự do sức lao động, hàng hóa, dịch vụ và cả thể chế. Nhưng năm qua, thế giới đã chứng kiến điều ngược lại: Thế giới không còn phẳng mà đầy lồi lõm với kết quả bất ngờ trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, sự ra đi của nước Anh trong quá trình Brexit tách khỏi Liên minh châu Âu (EU), sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc ở châu Âu, khói lửa nghi ngút tại Trung Đông… Tất cả cho thấy đang có rạn nứt trong tiến trình toàn cầu hóa, giống như khởi đầu của cuộc khởi nghĩa chống lại giới chóp bu khởi xướng nó. Không nói đâu xa, tại Mỹ, người ta cũng nhấn mạnh tới “xã hội một phần mười” khi chỉ có 10% số dân hưởng lợi từ kinh tế toàn cầu hóa (chủ yếu là nhân viên các công ty đa quốc gia), còn lại 90% người dân phải chịu thua thiệt khi mất đi thị trường lao động, nghĩa là mất đi nguồn thu nhập do chỗ làm việc dịch chuyển qua các nước châu Á. Và tất yếu, các chính trị gia sẽ phải đáp ứng đòi hỏi của số đông (dù không mấy hài lòng) để 1/10 số hưởng lợi chia sẻ tài sản cho 9/10 người thua thiệt còn lại. Đó là bản chất của vấn đề.
Xét trong bối cảnh quốc tế không mấy khả quan như vậy cho các nước có thu nhập trung bình, chúng ta đã cố gắng lèo lái con tàu kinh tế đầy bản lĩnh, vượt qua những trở ngại “thập diện mai phục”, tích cóp từng chút nguồn tài nguyên quốc gia để cân đối được các nguồn thu - chi, giải quyết hàng triệu việc làm, ổn định được tỷ giá tiền đồng, đưa thu nhập đầu người đạt ngưỡng 2.200usd… và còn dôi dư khoảng 41 tỷ usd dự trữ ngoại hối. Đó là thành tích đầy tự hào xét trong bối cảnh sự tuột dốc của kinh tế thế giới, phải hứng chịu những sự cố ô nhiễm môi trường, như vụ Formosa hay những đợt lũ lụt vừa qua ở miền Trung đã làm mất đi hơn 1% GDP cả nước. Nhưng còn đó biết bao nỗi lo chồng chất đòi hỏi sự nỗ lực chung của Chính phủ, chính quyền địa phương và của từng người dân. Thứ nhất về rào cản “nghẽn thể chế”, rào cản đầu tiên đối với các nhà đầu tư, với phương châm “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, làm rõ sự thật” từng đưa chúng ta tới thắng lợi trong thời kỳ đầu đổi mới, người đứng đầu Chính phủ trăn trở: “Thể chế do chúng ta đặt ra, nghĩ ra, nhưng mà chúng ta lại sợ nó. Thể chế ràng buộc sự phát triển thì phải bãi bỏ ngay, đừng để thể chế bắt chúng ta phải chạy theo, phải sợ nó một cách vô lý…” và thấy rõ Thủ tướng muốn có sự thay đổi lớn, mang tính cách mạng để khơi thông dòng chảy trong các hoạt động kinh tế. Đối với nước ta, sản xuất nông nghiệp mang tính chất sống còn với khoảng 80% dân số ít nhiều dính tới lĩnh vực này nên những chỉ đạo của Thủ tướng rõ ràng có sức nặng đặc biệt. Điều đó bắt buộc các cấp lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương phải bắt tay thực thi ngay mệnh lệnh, rà soát toàn bộ những quy định lỗi thời. Chẳng hạn, chính sách chia nhỏ ruộng đất từng giúp nông dân nghèo có đất canh tác thì ngày nay đã không còn thích hợp trong xu thế phát triển và hội nhập của Việt Nam và phải sửa luật đất đai, cho phép mở rộng hạn điền mới thu hút được đầu tư, cả về vốn lẫn công nghệ, tạo diện mạo mới cho ngành nông nghiệp.
Thứ hai, phải thấy rõ sự khủng hoảng của mô hình toàn cầu hóa hiện nay không có nghĩa là đã hết thời toàn cầu hóa. Nó chỉ chuyển từ dạng thức này sang dạng thức khác. Chẳng hạn, thay vì sử dụng lao động thủ công rẻ tiền ở các nước thứ ba, các tập đoàn lớn đã chuyển sang dùng robot, tự động hóa toàn bộ các khâu sản xuất và còn rất ít công việc cho lao động chân tay thông thường. Điều này sẽ đặt chúng ta trong tình thế lưỡng nan khi phải thay đổi toàn bộ mô hình kinh tế từ xuất khẩu thô sang tinh chế, tạo ra các sản phẩm có hàm lượng chất xám cao. Theo dòng chảy đó, mô hình giáo dục - đào tạo, nhất là đào tạo nghề sẽ phải thay đổi tận gốc rễ, bớt hàn lâm, bớt lý thuyết, tăng thực hành gắn với thực tế cuộc sống. Và hơn một lần, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề cập tới cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với trí tuệ nhân tạo, sự phát triển của công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, năng lượng sạch như đích đến của toàn xã hội. Như thế, để tạo xung lực mới đòi hỏi chúng ta phải theo kịp thời đại, đặt trọng tâm vào phát triển khoa học - công nghệ tiên tiến nhất, chứ không thể hài lòng với danh hiệu “công xưởng thế giới” chỉ có bắt vít, lắp ráp sản phẩm. Đáng mừng là trong năm qua, thể hiện lời kêu gọi “khởi nghiệp” của Thủ tướng, cả nước đã có thêm trên 100.000 doanh nghiệp thành lập mới. Đó là lần đầu tiên chúng ta có con số doanh nghiệp thành lập lớn đến vậy, giống như đã “ứng trước” niềm tin cho Chính phủ kiến tạo vì dân, vì cộng đồng doanh nghiệp.
Được nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa ra trong một bài viết từ năm 2014, khái niệm “nhà nước kiến tạo và phát triển” đã có sức sống mới, thể hiện rõ trách nhiệm không phải của riêng Chính phủ mà là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong đó chức năng Chính phủ đã trở về cốt lõi là phục vụ. Đó là tín hiệu vui cho năm mới 2017.
SÀI GÒN GIẢI PHÓNG