
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2008 vừa qua cũng là một bước tiến, nhưng chưa đạt yêu cầu, chưa đáp ứng được sự mong muốn và chưa thể yên tâm khi thực hiện một kỳ thi quốc gia (kỳ thi “2 trong 1”) như đề xuất của Bộ GD-ĐT. GS Đào Trọng Thi (ảnh), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội nhấn mạnh như vậy trong cuộc trao đổi với PV Báo SGGP, ngày 2-6.
- Phóng viên: Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh thiếu niên và nhi đồng có nhận định như thế nào về chủ trương tổ chức một kỳ thi quốc gia để xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ của Bộ GD-ĐT?
GS ĐÀO TRỌNG THI: Trong giới giáo dục, khoa học vẫn đang tiếp tục bàn luận có nên gộp 2 kỳ thi làm một không. Riêng ủy ban thấy rằng, gộp 2 kỳ thi làm một cũng có những ưu điểm như Bộ GD-ĐT đã phân tích như đỡ tốn kém, giảm áp lực tâm lý… nhưng nó cũng có nhược điểm. Nhưng vì đây là 2 kỳ thi có 2 mục tiêu khác nhau, rất khó có thể ghép làm một: một anh là đánh giá xem học sinh có đủ trình độ để công nhận tốt nghiệp, tức là chỉ yêu cầu mức độ trung bình của kiến thức.
Một anh thì có sự cạnh tranh để tìm ra những em nào là em nổi trội nhất để xét tuyển vào đại học, mà cuộc cạnh tranh này khá căng thẳng vì tỷ lệ “chọi” là 1/10. Chúng tôi đặt vấn đề như thế này, nếu Bộ GD-ĐT đã quyết tâm, vì 2 khả năng này đều có ưu khuyết điểm, thì gác lại chuyện bàn xem cái nào tốt hơn, mà ta chấp nhận ủng hộ cái ý tưởng gộp 2 kỳ thi làm một. Vấn đề bây giờ là xem Bộ GD-ĐT xây dựng đề án như thế nào, có đáp ứng được mục tiêu của 2 kỳ thi cũ; đồng thời cách thức tổ chức làm sao cho khả thi và đạt kết quả tốt nhất.
- Như vậy, ủy ban nhận định như thế nào về đề án của Bộ GD-ĐT?
Nhưng sau khi nghiên cứu đề án, chúng tôi thấy có mấy vấn đề: Thứ nhất là đề thi, vì có 2 tiêu chí lựa chọn khác nhau, một bên là kiểm tra kiến thức xem có đáp ứng yêu cầu hay không, một bên cạnh tranh gay gắt nên đề thi phải cấu tạo gồm 2 bộ phận nội dung, phải có những câu hỏi giải quyết mục tiêu tốt nghiệp phổ thông, và một phần câu hỏi khác có tính chất nâng cao để xét tuyển vào ĐH. Bộ GD-ĐT có đề ra tỷ lệ 60% phổ thông và 40% ĐH nhưng vấn đề đặt ra là phương thức xử lý, sử dụng kết quả đó phải có nghiên cứu tỉ mỉ hơn về mặt kỹ thuật.
Nó không hề đơn giản như Bộ GD-ĐT nghĩ ban đầu là có 10 bài, thì có 6 bài cho phổ thông và 4 bài cho ĐH, vậy những em không làm được câu hỏi khó thì tối đa chỉ làm được 6 câu thì rất là nguy hiểm. Trước đây làm 10 câu dễ, chỉ cần học sinh làm được 50% là đỗ tốt nghiệp, nay có 6 câu phải làm được 5 câu mới đỗ là không được. Cách đặt ra bây giờ là phải lấy trọng số, nếu xét tốt nghiệp phổ thông thì ta đánh trọng số những câu để xét tốt nghiệp cao hơn, ví dụ như trọng số là 1,5 thì 6 câu sẽ thành 9.
Tương tự như những câu xét tuyển vào ĐH sẽ được đánh trọng số cao hơn, như vậy, giá trị của những câu hỏi ấy sẽ cao hơn. Thứ hai, một số trường ĐH lớn, trọng điểm hoặc yêu cầu chất lượng cao thì phải cho họ bổ sung thêm 1 kỳ kiểm tra để có thêm đánh giá chính xác hơn vì tính cạnh tranh rất cao. Nhưng cái mà chúng tôi cho rằng đáng sợ nhất, cần tập trung nhất, đó là kỳ thi quốc gia này sẽ được tổ chức ở địa phương. Và bởi vậy, thái độ nghiêm túc, kỷ luật và các vấn đề tiêu cực thi cử và công bằng là quan trọng nhất.
- Lộ trình thực hiện một kỳ thi quốc gia sau THPT vào năm 2009 có khả thi?
Lộ trình này hơi cập rập, tôi cũng gợi ý với Bộ GD-ĐT thế này: Ta đang thí điểm, không nên cùng một lúc thí điểm nhiều ý tưởng khác nhau, mà lại thí điểm ở quy mô lớn nhất và trọn vẹn nhất. Thời gian bây giờ cũng rất gấp gáp, nếu bộ cảm thấy chưa chuẩn bị kịp thì chưa nên bắt đầu từ sang năm. Ngay cả vấn đề “bảo lưu kết quả” cũng vậy, ở kỳ thi tốt nghiệp thì được chứ không thể bảo lưu kết quả để xét tuyển ĐH được.
Bởi bản thân nó là một cuộc cạnh tranh, phải trên cùng một nền tảng, thành phần cạnh tranh cũng như đề thi giống nhau. Nên ý tưởng bảo lưu là rất buồn cười. Vì vậy, tôi cho rằng, nên dừng lại một năm nữa để chuẩn bị. Hiện nay, Bộ GD-ĐT cũng chưa báo cáo Chính phủ để chính thức khẳng định chủ trương đó trong khi thời gian không còn nhiều, chúng ta phải thông báo sớm để xã hội biết, vào đầu năm học, học sinh và nhà trường cũng cần phải biết sớm chủ trương để giảng dạy, học tập. Tôi sợ là nếu làm vội vã quá sẽ không có kết quả như ý và thậm chí, nếu mạo hiểm còn để lại hậu quả rất lớn.
- Cảm ơn GS.
Đinh Lan