Toa thuốc sinh học cho người Việt

Người ta đã từng ví vụ tranh chấp bản quyền thuốc giữa một công ty dược sinh học mới nổi của Việt Nam là Nanogen với Hãng dược Roche (Pháp) như là cuộc chiến “châu chấu đá voi”. Ấy vậy mà châu chấu không những thắng cuộc, mà “con voi” Roche cũng phải nhún nhường.
Toa thuốc sinh học cho người Việt

Người ta đã từng ví vụ tranh chấp bản quyền thuốc giữa một công ty dược sinh học mới nổi của Việt Nam là Nanogen với Hãng dược Roche (Pháp) như là cuộc chiến “châu chấu đá voi”. Ấy vậy mà châu chấu không những thắng cuộc, mà “con voi” Roche cũng phải nhún nhường.

“Bạn muốn viết về tôi ư. Chẳng có gì viết đâu, khô khan và ít thay đổi. Nhưng tôi nghĩ sẽ hay hơn nếu bạn đến trung tâm nghiên cứu và phát triển của công ty. Ở đó có những nhà khoa học giỏi, những loại thuốc mới cần cho người bệnh”, TS Hồ Nhân - Giám đốc Công ty Nanogen - thay cho lời từ chối bằng một lời mời khá thú vị.

Trung tâm nghiên cứu mà TS Hồ Nhân giới thiệu được coi là bộ phận quan trọng nhất của nhà máy, được thực hiện theo mô hình khu y sinh học (Biotech Boulevard), với kinh phí đầu tư lên đến 2.000 tỷ đồng. Những máy móc đắt tiền nhất trên thế giới đều được mua về trung tâm phục vụ công tác nghiên cứu và thử nghiệm thuốc. Tiếp chúng tôi là TS Nguyễn Phương Thủy, Trưởng phòng Y khoa. Chị là một trong số gần 100 cán bộ nghiên cứu chủ chốt, dù rằng tuổi đời vẫn còn khá trẻ.

Nhắc lại những thăng trầm trong ngày đầu Nanogen “chào đời”, mà chị nhắc đi nhắc lại với chúng tôi điệp khúc “gian nan lắm nhưng cũng tự hào lắm”. Hồi cuối tháng 12-2010, thuốc Pegnano - sản phẩm bán chạy nhất của Nanogen bị Roche, một hãng dược đa quốc gia, từng độc quyền về thuốc điều trị viêm gan siêu vi tại Việt Nam, kiện vi phạm bản quyền.

“Mà cũng thật lạ, về mặt sở hữu trí tuệ thì quy trình sản xuất Pegnano là do Nanogen tự nghiên cứu ra. Trong công thức Peginterferon alfa-2a của Roche thì thành phần interferon alfa-2a đã hết hạn bản quyền thế nhưng Roche vẫn xin được bảo hộ đối với hai thành phần của Pegasys ở Việt Nam. Mà có riêng gì ở đây, Roche đã thất bại trong các vụ tranh chấp tương tự ở Ai Cập, Ấn Độ, Pakistan, Trung Quốc. Thế nên, khi chúng tôi đưa ra được bằng chứng về sự khác nhau cơ bản của các thành phần trong thuốc, Cục Quản lý dược hiển nhiên công nhận sự có mặt của Pegnano trên thị trường” - chị Thủy bày tỏ.

“Công nghệ mà chúng tôi theo đuổi chính là công nghệ tổ hợp. Nó là tổ hợp của công nghệ gene, công nghệ tế bào, công nghệ lên men, công nghệ protein, công nghệ bào chế… Bởi vậy, trong nghiên cứu, có những cái chúng tôi bắt buộc phải nhờ đến những người có chuyên môn sâu ở từng lĩnh vực, cả ở trong và ngoài nước. Phần nhiều thông qua mối quan hệ thân thiết với các viện, trường nghiên cứu nổi tiếng ở Mỹ, Anh, Đức, Thụy Sĩ để mua bản quyền một số vector kỹ thuật di truyền hoặc các môi trường nuôi cấy tế bào của họ. Phần còn lại, chúng ta phải làm chủ”, TS Nguyễn Phương Thủy giải thích.

Nanogen hiện đang tập trung vào nghiên cứu thuốc điều trị các căn bệnh mạn tính hiểm nghèo như viêm gan B và C, ung thư, tim mạch, tiểu đường. Phía trước vẫn còn gian nan và chông chênh, mà như lời của TS Hồ Nhân: “Việt Nam chưa đề ra tiêu chuẩn rõ ràng đối với thuốc sinh học. Thuốc của chúng tôi ra đời bị liệt vào dạng sinh phẩm y tế có nguồn gốc sinh học, phải thử nghiệm tiền lâm sàng và lâm sàng như đối với thuốc mới. Có quá nhiều quy trình phải chứng minh, trong khi lại thiếu các hướng dẫn cụ thể về thuốc. Người đi tiên phong nhiều khi phải trả giá. Dễ thấy nhất vẫn là mất thời gian chờ đợi”.

Con đường mới mở tất nhiên còn lắm chông gai ở phía trước. TS Hồ Nhân xem đó là thách thức nhưng cũng là cơ hội. Thuốc sinh học sẽ là tương lai của ngành dược, bởi ưu điểm điều trị đúng đích và ít phản ứng phụ so với hóa dược. Với TS Hồ Nhân, trăn trở về toa thuốc giá rẻ nhưng chất lượng dành cho người Việt là ưu tiên hàng đầu.

TƯỜNG HÂN

Tin cùng chuyên mục