Tôi mãi nặng lòng với câu chuyện tổ tiên

Trong những ngày tháng tám lịch sử, tôi đã ghi lại một cuộc trò chuyện thú vị với ông Nguyễn Ngọc Châu - con trai của kỹ sư Nguyễn Ngọc Bích, nguyên Khu bộ phó Khu 9, người nổi tiếng một thời với biệt danh “Kỹ sư phá cầu” (sau khi đánh sập cầu Cái Răng và Tân Hương, bị bắt và bị trục xuất sang Pháp).
Nhà văn Trầm Hương trò chuyện cùng ông Nguyễn Ngọc Châu

Nhà văn Trầm Hương trò chuyện cùng ông Nguyễn Ngọc Châu

Ông Nguyễn Ngọc Châu nguyên là lãnh đạo một chi nhánh ngân hàng chuyên đầu tư vào các dự án lớn ở khu vực châu Á, đã định cư tại Pháp mấy chục năm qua nhưng rồi lại được lịch sử của gia đình thôi thúc bản thân tìm đường trở về cội nguồn.

* Nhà văn TRẦM HƯƠNG: Hẳn là ông rất tự hào về nguồn cội của mình?

* Ông NGUYỄN NGỌC CHÂU: Thật sự rất cảm ơn cô, tác giả của Đêm trắng của Đức Giáo Tông, nhờ quyển sách của cô mà tôi biết về gia đình của mình nhiều hơn. Ở Paris (Pháp), vô tình tôi đọc được bài viết về gia đình của mình. Tôi rất tự hào, rất xúc động trước chân dung của người ông, người cha, người chú khả kính của mình. Tôi đọc một mạch. Đọc xong, tôi luôn bị thôi thúc trở về Việt Nam. Vậy là tôi tìm mọi cách để trở về…

* Tuổi thơ của ông cũng bình thường như bao người hay “đặc biệt” hơn khi mà ông sinh ra trong một gia đình vốn rất nổi tiếng?

* Năm 1943, Nhật đảo chính Pháp. Cha tôi lúc bấy giờ đang phụ trách xây dựng một công trình thủy lợi ở Sóc Trăng. Đối diện với công trình là trường dạy nữ công gia chánh. Khi Nhật chuẩn bị thả bom, ông báo động cho học sinh trường nữ công xuống hầm tránh đạn. Lo các cô phải vượt qua chặng đường do công trình thi công còn ướt bùn sình, ông lấy chiếu lót đường cho các nữ sinh xuống hầm trú ẩn.

Cảm động trước hành động của ông, bà Bạch Mai - hiệu trưởng trường, nói học trò của mình là Phan Ngọc Huế làm ổ bánh thật đẹp mang sang cảm ơn ông. Vẻ đẹp của nữ sinh Ngọc Huế đã làm ông sững sờ và một mối tình “không nên có” đã nảy sinh giữa hai người. Rồi tôi ra đời. Mối tình “không nên có” vì cha tôi có người yêu ở Pháp là bác sĩ Henriette Bùi Quang Chiêu (tôi gọi là má Năm Henriette Bùi).

Nhiều chuyện đã xảy ra, sau đó má tôi đi lấy chồng. Cha đành gởi tôi cho bạn thân là cô Chín Vàng nuôi giùm. Tự dưng độc thân lại nhận một đứa bé làm con nuôi, má Chín Vàng không khỏi hứng chịu những lời xì xào phía sau lưng. Tôi lớn lên, luôn tự hào vì có đến 3 người mẹ. Đó là má Ngọc Huế sinh ra tôi, má Năm Henriette Bùi và má Chín Vàng. Sau khi đậu tú tài năm 1962, tôi sang Pháp sống với cha và má Năm Henriette Bùi…

* Tuy phải rời đất nước nhưng ông vẫn có sự đóng góp theo cách riêng khi ở cương vị một giám đốc ngân hàng tín dụng quốc tế phụ trách khu vực châu Á. Nhìn lại, ông tâm đắc điều gì nhất?

* Tôi tự hào với gia đình mình khi đã góp chút sức, đặc biệt khi chút sức ấy được góp vào giai đoạn đổi mới của đất nước. Bên Pháp, tôi làm cho Ngân hàng Indosuez (thời điểm năm 1975, ngân hàng này là sự kết hợp của Ngân hàng Đông Dương - Banque de l’Indochine và Ngân hàng Suez), có chi nhánh ở nhiều quốc gia.

Khi Việt Nam bước vào giai đoạn mở cửa, Indosuez cũng đã có mặt. Thời điểm năm 1988, khi ấy tôi đã sống 6 năm tại Saudi Arabia và công tác trong một ngân hàng tư nhân tại đây, được một người bạn là giám đốc của Indosuez gọi nhờ tư vấn lo giúp các thủ tục mở văn phòng đại diện của Indosuez tại TPHCM. Từ đó, tôi thường xuyên về Việt Nam hơn.

Điều khiến tôi nhớ nhất là được gặp và trò chuyện với Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Tôi còn nhớ rõ, một ngày, anh Nguyễn Thiệu là thư ký về kinh tế và tài chính đã liên lạc với tôi theo lệnh của ông Võ Văn Kiệt để tôi góp ý thêm vào dự thảo Luật Ngân hàng mới hoàn chỉnh. Sau đó tôi đã tham gia kết nối để một phái đoàn của Việt Nam sang làm việc với Ngân hàng Nhà nước Pháp và Quỹ Tiền tệ quốc tế.

Sau chuyến đi đó, tôi được biết Thủ tướng Võ Văn Kiệt có lập một ban cố vấn và tôi cũng được mời đến nói chuyện với ông tại TPHCM. Khi tôi hỏi “Chú Sáu có dịp gặp cha tôi không?”, ông trả lời: Có nghe tên, đồng thời cũng rất cảm kích về sự kiện kỹ sư Nguyễn Ngọc Bích phá cầu ngăn bước tiến của quân Pháp về miền Tây. Khi tôi nói “cả thế giới đang nhìn về ông và Việt Nam trong phát triển kinh tế”, Thủ tướng trả lời tôi, rằng “ông biết rất rõ và từng kết quả Việt Nam đạt được đều là công lao của rất nhiều người, không hề là của riêng ông”.

* Điều gì khiến một chuyên gia ngân hàng như ông lại có hứng thú và viết một quyển sách về lịch sử Việt Nam?

* Khi thấy 2 cuốn sách Đêm trắng của Đức Giáo Tông, Dũng khí Nguyễn Ngọc Nhựt nói về gia đình mình, vợ và con tôi thúc tôi viết một cuốn sách về gia đình Nguyễn Ngọc bằng tiếng Pháp. Khi nghỉ hưu rồi tôi mới có thời gian bắt tay viết cuốn Le temps des ancêtres - une famille Vietnamienne dans sa traversée du XXe siècle (Thời tổ tiên - một gia đình Việt Nam trong chuyến đi xuyên qua thế kỷ XX) xuất bản bên Pháp năm 2018. Trước khi viết, tôi đã đọc hơn 150 cuốn sách bằng tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Việt, đồng thời tìm đến nhiều nơi có lưu trữ tài liệu để khảo sát. Từ đó tôi mới có ý nghĩ viết ra một cuốn sách về lịch sử.

Tôi nghĩ sẽ dịch cuốn sách sang tiếng Việt để bạn đọc hiểu về một thời kháng chiến ác liệt. Gia đình tôi đã góp mặt bằng cả tuổi thanh xuân của cha tôi khi ông bị lưu đày khỏi quê hương Việt Nam; bằng máu của chú Tám Nguyễn Ngọc Nhựt những ngày bị tra tấn dã man trong nhà tù của Pháp; cả nỗi đau của ông nội tôi phải nuốt lệ và máu vào lòng khi ông cương quyết không ký vào đơn bảo lãnh ra khỏi tù cho 2 con trai yêu quý…

* Là một chức sắc Cao Đài, má ông có ảnh hưởng lớn với ông không?

* Tôi ảnh hưởng từ má Chín Vàng nhiều hơn. Má Chín Vàng rất có cảm tình với kháng chiến và bà cũng là cơ sở cách mạng. Lúc nhỏ, tôi nhớ trước khi ngủ, má Chín Vàng bắt tôi phải đọc một ngàn lần tên “Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Đọc được mấy chục lần thì mắt tôi díp lại vì buồn ngủ. Má Chín Vàng thấy vậy cười cho qua. Sau ngày hòa bình, má Chín Vàng cũng sang Pháp định cư. Đứa con đầu lòng của tôi được đặt tên Nguyễn Ngọc Kim (Kim cũng có nghĩa là vàng) để tỏ lòng yêu quý bà...

Tin cùng chuyên mục