Là Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Đối ngoại UNESCO, Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam, ông Phạm Sanh Châu (ảnh) đã tham gia vào việc xây dựng nhiều bộ hồ sơ di sản đệ trình Tổ chức Văn hóa - Giáo dục và Khoa học của Liên hiệp quốc (UNESCO) cũng như có mặt trong các buổi thuyết trình trước Hội đồng Di sản UNESCO để bảo vệ thành công các hồ sơ di sản của Việt Nam. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông sau sự kiện 82 bia đá các triều Lê và Mạc (còn gọi là bia Tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám) được tôn vinh là Di sản tư liệu thế giới trong chương trình Ký ức thế giới của UNESCO.
- PV: Thưa ông, các di sản của VN nhận được khá nhiều danh hiệu của UNESCO trao tặng. Xin ông nói rõ tiêu chí của một số danh hiệu?
Ông Phạm Sanh Châu: UNESCO có nhiều danh hiệu, trong đó có ba loại danh hiệu khá danh giá và mỗi loại có những tiêu chí khác nhau: Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (đòi hỏi di sản có giá trị toàn cầu); Di sản văn hóa phi vật thể (cần phải đặc sắc và có sự tham gia của cộng đồng dân cư); Di sản tư liệu (ngoài tính xác thực, tính nguyên vẹn và độc đáo còn phải có giá trị và ý nghĩa với thế giới).
Với 82 bia đá Tiến sĩ các thời Lê và Mạc, UNESCO nhấn mạnh khía cạnh giao thoa văn hóa quốc tế của nó. Đó là việc “Việt hóa” những tư tưởng của đạo Khổng khi du nhập vào Việt Nam. Cha ông ta tiếp thu đạo Khổng theo cách của người VN, trong đó đề cao triết lý trọng dụng hiền tài. Tư tưởng tiến bộ và nhân văn này đóng góp vào nỗ lực của UNESCO trong việc xây dựng một thế giới toàn cầu hóa mang gương mặt nhân bản (human face).
- Ông cho biết những lợi ích khi di sản được UNESCO tôn vinh?
Có rất nhiều lợi ích đối với di sản và quốc gia có di sản đó. Trước hết, logo của UNESCO gắn lên các di sản khẳng định “thương hiệu” và tăng cường hình ảnh quốc gia có di sản khi quảng bá ra bên ngoài...
Nhìn chung, khi đó sức hấp dẫn của di sản cao hơn và di sản được bồi đắp thêm giá trị. Quốc gia có di sản còn được chia sẻ những kinh nghiệm quý giá trong công tác tư liệu và bảo tồn. Di sản có thể được hưởng những quyền lợi từ quỹ bảo tồn và phát triển di sản do sự đóng góp của các tổ chức và cá nhân quốc tế.
- Bên cạnh quyền lợi, các quốc gia có di sản phải thực hiện những nghĩa vụ gì, thưa ông?
Trong các hồ sơ đệ trình UNESCO đều đề cập đến thực trạng của di sản cũng như những biện pháp kiểm soát, bảo vệ di sản của cộng đồng dân cư và quốc gia có di sản đó.
- Hồ sơ Mộc bản triều Nguyễn được đưa ra cùng lúc với hồ sơ bộ ảnh Đông Dương trước năm 1954 nhưng sao chỉ Mộc bản triều Nguyễn trở thành di sản tư liệu thế giới?
Tôi có tham khảo ý kiến của các chuyên gia và thấy khó có thể bảo vệ thành công bộ ảnh này vì một số bức ảnh trong số đó đang lưu trữ ở Pháp. Muốn đệ trình hồ sơ này, ta phải cùng với tổ chức UNESCO quốc gia của Pháp trình. Tương tự, cuốn nhật ký của anh hùng, bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm không chỉ là ghi chép riêng của một người mà liên quan đến nhiều tư liệu lịch sử thế giới nhưng bản gốc đang nằm ở một bảo tàng của Mỹ. Một trong những tiêu chuẩn với di sản tư liệu là độc bản nên ta cùng với Ủy ban UNESCO quốc gia của Hoa Kỳ cùng trình hồ sơ mới được…
- Còn hồ sơ về bộ kinh Phật ở chùa Vĩnh Nghiêm ở tỉnh Bắc Giang đang được xây dựng để trình UNESCO?
Chùa Vĩnh Nghiêm từng là trung tâm Phật giáo thời Trần. Bộ ván khắc kinh được gọi là Mộc thư có niên đại hơn 700 năm còn lưu giữ 34 đầu sách với gần 3.000 bản khắc, mỗi bản hai mặt, mỗi mặt hai trang sách âm bản chứa khoảng 2.000 chữ Hán và chữ Nôm. Trong đó có những bản khắc đặc biệt quý, nhiều cuốn ghi lại kinh nghiệm chữa bệnh dân gian… Những tấm ván khắc kinh này cho người đời sau hiểu về Phật giáo, kỹ thuật khắc gỗ, nghệ thuật in sách Việt Nam.
Tôi cho rằng ý nghĩa quốc tế của nó là đánh dấu quá trình “Việt hóa” những tư tưởng của đạo Phật ở VN và triết lý về thiền giáo.
Hồ sơ này bắt đầu được xây dựng.
Chúng ta còn nhiều di sản tư liệu quý xứng đáng được tôn vinh. Chúng tôi đang đề nghị các tỉnh giới thiệu các di sản để thẩm định và làm hồ sơ đệ trình UNESCO.
- Cảm ơn ông!
Hoàng Thắng (thực hiện)