TP Hồ Chí Minh: 58 phường không còn hộ nghèo

Khép lại năm 2012, TPHCM có 58 phường, xã không còn hộ nghèo thu nhập dưới 12 triệu đồng/người/năm; số phường sớm cán đích chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá giai đoạn 3 vào năm 2012 đạt gấp đôi so với kế hoạch đặt ra. Có thể nói, trong tình hình kinh tế khó khăn, việc sản xuất kinh doanh không được thuận lợi nhưng nhờ quyết tâm chính trị, với sự đồng thuận của nhân dân đã tạo ra các nguồn lực cả về vật chất lẫn tinh thần giúp các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo.
TP Hồ Chí Minh: 58 phường không còn hộ nghèo

Khép lại năm 2012, TPHCM có 58 phường, xã không còn hộ nghèo thu nhập dưới 12 triệu đồng/người/năm; số phường sớm cán đích chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá giai đoạn 3 vào năm 2012 đạt gấp đôi so với kế hoạch đặt ra. Có thể nói, trong tình hình kinh tế khó khăn, việc sản xuất kinh doanh không được thuận lợi nhưng nhờ quyết tâm chính trị, với sự đồng thuận của nhân dân đã tạo ra các nguồn lực cả về vật chất lẫn tinh thần giúp các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo.

  • Chăm lo đa chiều

Để giải quyết tình trạng nghèo của TP, nhiều giải pháp đa dạng, phong phú trực tiếp chăm lo một cách thiết thực, hiệu quả. Không những lo về thu nhập, TP đã mở rộng nhiều mặt chăm lo về nhà ở, sức khỏe, học vấn, nghề nghiệp... Trước hoàn cảnh khó khăn của Mô Yến Linh (ngụ 3/8A Bà Triệu, phường 12, quận 5), một mình tần tảo mưu sinh nuôi 2 con ăn học, phường 12 đã hỗ trợ bà Linh mượn vốn không lãi suất từ Quỹ vì người nghèo để buôn bán. Hai người con được cấp học bổng, được tặng xe đạp và thẻ bảo hiểm y tế. Nhờ đó, gia đình bà đã thoát nghèo.

Chị Trần Thị Kim Mai (ngụ quận 3) lại thoát nghèo nhờ được… sửa nhà tình thương. Từ ngày căn nhà lụp xụp, dột nát được sửa sang khang trang rộng rãi, chị cho thuê một phần căn nhà kiếm thêm thu nhập. Tại quận 8, việc sửa sang, xây nhà tình thương cho hộ nghèo đôi khi gặp khó khăn do khổ chủ không có giấy tờ hợp pháp cho nhà đất của mình. Quận đã đơn giản hóa nhiều thủ tục, thiết lập cơ chế một cửa liên thông để hỗ trợ các hộ nghèo có được giấy tờ nhà đất.

Lao động có việc làm ổn định tại cơ sở sản xuất.

Lao động có việc làm ổn định tại cơ sở sản xuất.

Đặc biệt, để giúp người nghèo thoát nghèo bền vững, các quận huyện đã chú trọng tới việc cho “cần câu” thay vì tặng “con cá”. Việc trang bị nghề nghiệp và nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn được xác định là yếu tố then chốt để có việc làm ổn định, tránh cho con em hộ nghèo rơi vào bẫy nghèo.

Hiện 35 con em hộ nghèo tại quận 8 được hỗ trợ học phí vừa học văn hóa, vừa học nghề “dài hơi” như sửa chữa ô tô, xe máy trong suốt 3 năm tại Trường Trung học Kỹ thuật Nam Sài Gòn. 26 em khác học lớp phụ bếp 8 tháng tại Trường Nghiệp vụ nhà hàng TP. Nhằm tiếp tục tạo điều kiện có nghề nghiệp ổn định để mưu sinh, các em đều sẽ được giới thiệu việc làm sau khi học nghề xong. Đầu năm học 2012, quận 8 còn “tổng động viên” 1.000 thanh niên trong tổng số 4.500 thanh niên ở độ tuổi 17 - 25 đi học các lớp xóa mù chữ, phổ cập miễn phí.

  • Nỗ lực cán đích

Nhằm giải quyết tình trạng phần lớn các hộ nghèo đều không có việc làm ổn định, công việc bấp bênh, các quận, huyện đã thiết lập mối quan hệ giữa doanh nghiệp và người nghèo tìm việc. Những doanh nghiệp trên địa bàn khi có nhu cầu tuyển dụng lao động sẽ thông báo cho UBND quận, huyện; quận, huyện sẽ thông báo cho phường, xã để “gửi gắm” lao động nghèo vào các cơ sở. Hiện tại, hơn 2.200 lao động nghèo được 225 doanh nghiệp thu nhận qua “kênh” này. Ngoài ra, dựa trên nhu cầu từng hộ nghèo, các địa phương còn hỗ trợ phương tiện làm ăn như tặng xe gắn máy, xe nước mía, máy khâu…

Ngoài các chính sách hỗ trợ chung, từng hộ nghèo trong 1.200 hộ đặc biệt khó khăn, thiếu các nguồn lực về kinh tế và con người để tự cải thiện cuộc sống của mình sẽ được các chính quyền địa phương “làm mối” cho các mạnh thường quân đỡ đầu hàng tháng.

TPHCM có nhiều cơ chế hỗ trợ cho người nghèo, do Sở LĐTB-XH TPHCM cùng các tổ chức đoàn thể như Ủy ban MTTQ, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh… thực hiện. Để có nguồn lực chăm lo cho các hộ nghèo, các quận, huyện thường thành lập các đoàn vận động do Thường trực Quận ủy, Huyện ủy, UBND, Mặt trận và các ban ngành, đoàn thể tham gia, trực tiếp đến các cơ sở trong và ngoài quận “xin” tiền. Từ nguồn kinh phí đó, mọi thành viên trong hộ nghèo đều nhận được sự hỗ trợ và phần lớn các hộ nghèo đều được hỗ trợ phù hợp với nhu cầu.

Công tác chăm lo dân nghèo đã huy động được sức mạnh từ TP, quận, phường đến tận khu phố, tổ dân phố. TP cũng lập khoảng 5.000 tổ tự quản giảm nghèo. Mỗi tổ có từ 10 - 30 hộ và tổ trưởng có thể là hộ nghèo. Đây là nơi trực tiếp nắm bắt, thấu hiểu nhu cầu từng hộ nghèo.

Bằng sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự giúp đỡ tự nguyện của nhân dân và nỗ lực vươn lên của những người nghèo, hết năm 2012, TP có 58 phường thoát nghèo. Các địa phương có nhiều phường vượt chuẩn nghèo giai đoạn 3 là quận 3 (12/14 phường), quận 6 (14/14 phường), quận 10 (10/15 phường)… TPHCM hiện còn gần 61.200 hộ nghèo (với hơn 278.000 nhân khẩu), chiếm 3,35% tổng hộ dân TP, giảm hơn 91.000 hộ nghèo so với đầu giai đoạn (2009 - 2015). Dự kiến, năm 2013 sẽ tiếp tục là năm đột phá về công tác giảm nghèo, tăng hộ khá khi tiếp tục có hàng chục phường, xã “cán đích” và nhiều nơi thoát nghèo toàn quận.

ĐƯỜNG LOAN

Tin cùng chuyên mục