TP Hồ Chí Minh: Cải cách hành chính chưa trở thành khâu đột phá

TP Hồ Chí Minh: Cải cách hành chính chưa trở thành khâu đột phá

Trong lần làm việc với TPHCM về tình hình kinh tế - xã hội đầu tháng 12-2007, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý: TPHCM đã có nhiều cố gắng trong việc cải cách thủ tục hành chính nhưng so với yêu cầu của một đô thị lớn thì chưa đáp ứng. Lập dự án bất động sản ở TPHCM chậm thường là do vướng thủ tục đất đai, cấp phép, thẩm định… Do vậy, TPHCM cần kịp thời bãi bỏ những thủ tục bất hợp lý gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; phần nào thuộc Chính phủ ban hành, TP nhanh chóng kiến nghị Chính phủ sẽ điều chỉnh ngay.

Cải cách mối quan hệ giữa các bộ máy

TP Hồ Chí Minh: Cải cách hành chính chưa trở thành khâu đột phá ảnh 1

Người dân chờ làm thủ tục nhà đất tại quận Bình Thạnh. Ảnh: V.H.H.

Qua hai năm TPHCM chọn lĩnh vực cải cách hành chính (CCHC) làm chủ đề năm, theo kết quả giám sát của HĐND TP, đã có những chuyển biến tích cực như: chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quá trình giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp; thực hiện minh bạch, công khai các biểu mẫu, thủ tục quy trình giải quyết hồ sơ hành chính; tại các phường xã thị trấn, áp dụng cơ chế “1 cửa 4 lĩnh vực” về xây dựng, đất đai, hộ tịch và công chứng.

Tuy nhiên ông Nguyễn Thanh Chín, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP thẳng thắn: “Quy trình thủ tục dù đã rà soát điều chỉnh nhưng vẫn còn rườm rà, phức tạp, gây phiền hà, bức xúc cho người dân”. Nhiều ý kiến cho rằng: điều đáng lo ngại nhất là mối quan hệ giữa các sở ngành, quận huyện thiếu sự phối hợp dẫn đến ách tắc việc dân, đặc biệt trong các lĩnh vực nhà đất, thẩm định thiết kế, phê duyệt quy hoạch.

Đến nay, UBND TPHCM đã công bố 96 văn bản hết hiệu lực, bãi bỏ 32 văn bản không còn phù hợp. Nhưng “các quy định do Trung ương ban hành một số không đồng bộ, không hợp lý, thiếu tính phối hợp, chưa rõ ràng và chồng chéo, nên khi áp dụng còn lúng túng trong thực tế lẫn nhận thức. Đặc biệt, trong lĩnh vực nhà đất, sự không thống nhất trong các quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất giữa Luật Đất đai năm 2003 và Luật Nhà ở làm các cơ quan chức năng lúng túng, từ đó ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người dân” – ông Nguyễn Tấn Tài, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo CCHC TP nhận định.

Chủ tịch UBND quận 6 Trần Thị Thu Vân dẫn chứng thêm: “Người dân kêu rất nhiều về sổ hồng, sổ đỏ. Một mặt, chúng tôi thừa nhận một số cán bộ yếu nghiệp vụ, nhưng có tình trạng cán bộ chưa kịp cập nhật văn bản hướng dẫn quy định cũ thì đã có văn bản mới! Tóm lại, các giấy tờ liên quan đến nhà đất chậm là do chúng ta, bây giờ không chỉ cải cách thủ tục mà phải “cải cách” cả mối quan hệ giữa quận với phường, giữa sở với quận và giữa sở với sở. Mặc dù tính số đầu việc qua 2 năm TP làm rất nhiều nhưng theo đánh giá của HĐND TP: cải cách thủ tục hành chính vẫn chưa trở thành khâu đột phá mạnh để giải phóng sức sản xuất. Người dân chưa hài lòng trong việc hợp thức hóa nhà đất, kinh doanh, thuế. Còn doanh nghiệp xem đây là lực cản, làm giảm tính cạnh tranh của nền kinh tế, giảm sức thu hút đầu tư”.

Phân rõ trách nhiệm người đứng đầu

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Thành Tài cho rằng, cần nhìn vào những yếu kém để khắc phục nhưng không thể nói công tác CCHC của TP đang “đứng yên” được. Theo ông, kết quả công tác CCHC đã góp phần cho kinh tế TPHCM tiếp tục giữ vững tốc độ tăng trưởng cao liên tục trong 10 năm qua, năm 2006 tăng 12,2% và năm 2007 tăng 12,6%. UBND TP đã có quyết định phân công ủy quyền nhiệm vụ cho giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư giải quyết một số thủ tục thuộc chức năng quản lý nhà nước đối với các công ty nhà nước và các dự án đầu tư trên địa bàn TP.

Nhờ sự tháo gỡ này, năm 2007 TP đã cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 16.000 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký khoảng 8,5 tỷ USD, tăng khoảng 30% về số lượng doanh nghiệp và tăng gấp 3 lần về vốn đăng ký. “Nếu không có cải tiến thủ tục thì không thể có những con số này được” – ông Tài khẳng định.

Thực tiễn cho thấy CCHC tại TPHCM đã đạt được những kết quả, nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại cần được sớm khắc phục. Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP, đó là những vướng mắc do cơ chế như chưa phân cấp, phân định rành mạch trong mối quan hệ về giải quyết thủ tục hành chính và trên từng lĩnh vực giữa các ngành, các cấp.

Tuy TP đã rà soát, bãi bỏ nhiều văn bản pháp quy, văn bản hành chính sai sót, nhưng chưa có quy trình ra văn bản thật đúng chuẩn mực và vẫn chưa bỏ hết những quy định bất cập. Hiện nay thời gian xử lý thủ tục hành chính vẫn bị quá hạn, nhiều hồ sơ còn tồn đọng do sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức Nhà nước chưa chặt chẽ. Tại kỳ họp HĐND TP vừa qua nhiều ý kiến đề nghị: muốn CCHC có hiệu quả thì cần một đội ngũ công chức đủ phẩm chất, năng lực. Và vấn đề kèm theo là, phải có cơ chế quản trị nhân sự khoa học, chế độ chính sách tuyển dụng, lương thưởng hợp lý, khuyến khích được người giỏi, động viên được mọi nguồn nhân lực.

Chia sẻ với những tâm tư của nhiều đại biểu HĐND TP, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Thành Tài khẳng định: “Dù không chọn năm 2008 là năm CCHC nhưng TP vẫn phải làm quyết liệt, vì đây là chuyện sống còn để TP phát triển bền vững. Về lâu dài, muốn CCHC phải giải quyết việc tổ chức bộ máy và con người chứ không chỉ là thủ tục.

Thời gian tới, đây vẫn là khâu đột phá để tạo môi trường thuận lợi, minh bạch cho hoạt động của người dân và doanh nghiệp. Còn theo Ban chỉ đạo CCHC TP, năm 2008 sẽ thực hiện nghiêm chế độ thủ trưởng trong các cơ quan hành chính, phân định rõ trách nhiệm của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo. Tiếp tục phân cấp ủy quyền về tổ chức bộ máy, cán bộ quản lý các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn ngân sách nhà nước… đi đôi với phân cấp là tăng cường kiểm tra, giám sát. 

HIẾU LÊ

Tin cùng chuyên mục