(SGGP).- Đó là vấn đề được các nhà khoa học, quản lý giáo dục nêu ra tại hội thảo “Giáo dục - Đào tạo TPHCM sau 2 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 29-NQ/TW” do Liên hiệp các Hội Khoa học - kỹ thuật TPHCM tổ chức ngày 20-1. Bên cạnh việc đánh giá những kết quả bước đầu - tạo ra “bước đổi mới” trong chặng đường 2 năm qua, các báo cáo tham luận, ý kiến đều bày tỏ “sự sốt ruột”, bức xúc trước sự chuyển động quá chậm của cỗ máy GD-ĐT về thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện.
Riêng TPHCM, dù có nhiều chuyển biến tích cực hơn, trong đó TP đã ưu tiên đầu tư ngân sách để phát triển, hiện đại hóa trường lớp, chủ động thực hiện nhiều mô hình giáo dục tiên tiến, năng động, sáng tạo, chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực… nhưng vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn chung của ngành. Một trong những rào cản khiến sự nghiệp giáo dục ở TP phát triển chưa đúng tầm là do thiếu kinh phí đầu tư bài bản, sĩ số lớp học cao, áp lực tăng dân số cơ học quá lớn và chỉ chạy theo xây trường, lớp để đảm bảo đủ chỗ học, ngành GD-ĐT đã hụt hơi…
Hội thảo kiến nghị nhiều giải pháp cần thực hiện đồng bộ, thiết thực hơn nhằm đáp ứng mục tiêu đổi mới căn bản nền giáo dục Việt Nam theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế. Đối với TPHCM, để tạo ra sự bứt phá trong đổi mới giáo dục thì TP cần kiến nghị có cơ chế, chính sách riêng nhằm chủ động đầu tư nguồn lực, nâng chất đội ngũ giáo viên, tiên phong thực hiện các mô hình giáo dục tiên tiến, tạo ra hiệu ứng đổi mới thực sự…
KHÁNH BÌNH