TPHCM: Đến năm 2025, có 50% người trong độ tuổi lao động được trang bị năng lực thông tin

UBND TPHCM vừa ban hành Kế hoạch xây dựng "Thành phố học tập toàn cầu của UNESCO giai đoạn 2024-2030" trên địa bàn TPHCM. 

Theo đó, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025, phát huy hiệu quả nguồn lực của các cơ sở giáo dục trong việc xây dựng học liệu số; triển khai các hoạt động quản lý, giảng dạy và học tập trên môi trường số; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức hoạt động dạy học và nâng cao chất lượng học tập.

Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục tiếp tục thực hiện có hiệu quả các mô hình học tập (gia đình, cộng đồng, đơn vị học tập) nhằm đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời.

Về công tác xóa mù chữ và phổ cập giáo dục, đến năm 2025, thành phố phấn đấu có 100% quận, huyện, TP Thủ Đức đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; 90% quận, huyện, TP Thủ Đức hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo; 100% quận, huyện, TP Thủ Đức đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; 100% quận, huyện, TP Thủ Đức đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2.

Đặc biệt, có 50% người trong độ tuổi lao động được trang bị năng lực thông tin, kỹ năng sống; 50% dân số từ 15 tuổi trở lên được đào tạo trình độ chuyên môn kỹ thuật, trong đó 12% dân số có trình độ đại học trở lên.

z5300294979602_9cef2f453d39ef5cc984bc3f6d327935.jpg
Đại diện Bộ GD-ĐT trao chứng nhận thành viên mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu của UNESCO cho Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ

Ngoài ra, theo định hướng phát triển đến năm 2030, TPHCM đảm bảo cơ hội bình đẳng cho mọi công dân tiếp cận hệ thống giáo dục mở, đa dạng, linh hoạt, liên thông, hiện đại với nhiều mô hình, phương thức và trình độ đào tạo.

Trong đó, 90% trường đại học trên địa bàn TPHCM triển khai đại học số và xây dựng học liệu số; 80% cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục khác triển khai hoạt động quản lý, giảng dạy và học tập trên môi trường số.

Riêng đối với các mô hình học tập trong xã hội, TPHCM phấn đấu đến năm 2030 có 60% công dân đạt danh hiệu công dân học tập; 50% quận, huyện, TP Thủ Đức được công nhận danh hiệu quận, huyện, thành phố học tập.

z5104986403095-1843aa6e3e85acd5eee20bf6675e5b23-6668.jpg
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học tại Trường Mầm non Thành phố (quận 3, TPHCM)

Tới đây, thành phố sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của người dân về xây dựng thành phố học tập; đồng thời hoàn thiện cơ chế, chính sách, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin, huy động có hiệu quả các nguồn lực từ cộng đồng và các tổ chức kinh tế - xã hội, cũng như đẩy mạnh hợp tác quốc tế.

UBND TPHCM giao nhiệm vụ cho Sở GD-ĐT TPHCM là cơ quan thường trực, điều phối các hoạt động. Cùng với đó, các sở ban ngành, Hội khuyến học TPHCM, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM, UBND TP Thủ Đức và 21 quận huyện có trách nhiệm phối hợp triển khai thực hiện.

Tin cùng chuyên mục