
TPHCM ước tính có trên 1.000km đường sông, kênh rạch và có khoảng 40 bến đò ngang đang hoạt động. Mặc dù các bến đò ngang tại TPHCM được đánh giá khá an toàn, nhưng chưa hẳn vì thế mà người đi đò không thấp thỏm nỗi lo tai nạn…
Qua đò… thót tim

Mặc dù trên đò có đầy đủ áo phao nhưng không một hành khách nào mặc (ảnh chụp tại bến đò Bến Đá –quận 8). Ảnh: XUÂN LÂM
Có mặt tại bến đò An Lợi Đông (nối quận 2 và quận 7) vào sáng sớm, để thử cảm giác “sông nước” chúng tôi chọn lên một con đò mà tài công là một phụ nữ trạc tuổi 40.
Trên con đò rộng hơn 1m, dài độ 4m chở 8 người trong đó có 1 trẻ em. Con đò như lọt thỏm giữa ngã ba sông Sài Gòn. Khi đò vừa rời bến đi được 1/3 quãng đường thì một chiếc sà lan chở cát chạy vắt qua làm sóng vỗ mạnh khiến con đò tròng trành như muốn lật úp.
Tài công cho tăng ga và trấn an mọi người “ngồi yên”. Con đò cứ nhấp nhô, lạng lách giữa dòng ghe thuyền tấp nập. Ra đến giữa sông, tài công cố tăng ga để vượt qua mũi con tàu cao 5 tầng đồ sộ đang tiến vào cảng Sài Gòn. Ai nấy đều hốt hoảng nhưng cuối cùng thì con đò cũng đã vượt qua được mũi con tàu này để đi qua phía bờ quận 7.
Chị cho biết, “các anh đi chưa quen nên cảm giác sợ vậy thôi”. Tôi ngây ngô hỏi, tại sao không nhường tàu lớn qua rồi đi, chị giải thích: “Nếu để tàu đi qua thì tạo nên luồng sóng sau đuôi rất mạnh nên tài công nào cũng tìm cách tăng ga vượt qua phía mũi”. “Nguy hiểm thế sao chị không cho mọi người mặc áo phao vào?”, tôi hỏi. “Áo để trong sọt đó, ai mặc cứ lấy mặc. Mà yên tâm đi, không sao đâu!”, chị thản nhiên trả lời.
Nhìn đống áo phao nhớp nhúa dính đầy bùn, quả thật tôi cũng thấy ngại với chiếc áo trắng của mình. Sau những phút “thót tim”, chúng tôi cũng thở phào nhẹ nhõm khi con đò cập bến sông bên kia.

Một chiếc đò ngang chở khách đang cố vượt qua trước mũi sà lan để cập bến rất dễ gây tai nạn (ảnh chụp tại bến đò An Lợi Đông)
Dù được đánh giá là một trong những bến đò ngang an toàn nhất TPHCM hiện nay nhưng có mặt trên những chuyến đò khu vực Bến Đá (quận 8) vào buổi tan tầm chúng tôi cũng không khỏi lo lắng khi thấy người, xe, hàng hóa chật như nêm.
Theo ghi nhận, không có một hành khách nào mặc áo phao dù 2 bên thành đò được treo phao còn mới. Một người phụ trách trên đò cho biết: “Chúng tôi cũng vận động người dân mặc áo cho an toàn nhưng người thì cho là nóng, người bảo dơ, người nói sông ngắn… rồi cuối cùng chẳng ai chịu mặc cả. Mà đâu có chế tài gì để bắt họ mặc đâu”.
Trông vào may rủi
Theo thống kê của Ban ATGT TPHCM, trong năm 2008, trên địa bàn TP đã xảy ra 33 vụ tai nạn giao thông đường thủy làm 4 người chết và 1 người bị thương, tăng 11 vụ so với năm 2007. |
Một cán bộ Khu Đường sông TPHCM cho biết, trong số bến đò ngang đang hoạt động hiện nay thì bến đò An Lợi Đông được xem là bến đò có nguy cơ tai nạn cao nhất vì tuyến đò này băng qua sông Sài Gòn ngay đoạn ngã ba sông Sài Gòn – kênh Tẻ.
Đây là đoạn sông rộng, lại cắt ngang luồng tàu biển tải trọng lớn thường xuyên ra vào cảng. Trong khi đó các lái đò hối hả nổ máy đón và trả khách nhanh chóng để quay đầu chạy ngay lượt tiếp, mặc cho người đi đò vừa vượt sông vừa run…
Được biết, đã có lúc, Ban An toàn giao thông (ATGT) TPHCM đã đề xuất bắt buộc hành khách trên đò phải mặc áo phao giống như đội nón bảo hiểm khi đi xe máy để đảm bảo an toàn nhưng không hiểu sao cho đến thời điểm này cũng chỉ mới dừng lại ở mức độ… vận động.
Trong khi đó, các hành khách và kể cả chủ đò vẫn đang hết sức chủ quan cho rằng hiếm khi tai nạn xảy ra nên cũng không nhắc nhở hành khách mặc áo phao. Thậm chí, một hành khách đi chung chuyến với chúng tôi tại bến đò An Lợi Đông hồn nhiên cho rằng “Sống chết có số cả chú ơi!”.
So với vài năm trở về trước, hiện nay các chủ đò, chủ bến đã ý thức hơn trong việc tuân thủ các quy định về an toàn và trật tự giao thông đường thủy nội địa. Người lái đò nếu chưa có bằng lái thì nay cũng đã có chứng chỉ chuyên môn, bến đò có giấy phép hoạt động, có cầu dẫn an toàn, phương tiện được đóng mới hoặc sửa chữa tốt hơn…
Tuy nhiên, nếu xét về mặt an toàn thì vẫn còn nhiều chuyện phải bàn khi tình trạng chở khách quá tải vẫn thường xuyên xảy ra, tâm lý chủ quan của hành khách, không chịu mặc áo phao nên chỉ lơ là một chút thì có thể xảy ra tai nạn khó lường. Đó là chưa kể, cũng còn một số bến đò “dù” hoạt động riêng lẻ không bến, không giờ giấc, khách có nhu cầu là chở nên cơ quan quản lý rất khó kiểm tra, ngăn chặn.
XUÂN LÂM
Hà Nội có hàng chục bến đò ngang không phép Nguyễn Quốc |