TPHCM: Gần 570 vụ cháy nổ làm chết 8 người, thiệt hại hơn 400 tỷ đồng trong năm 2015

TPHCM: Gần 570 vụ cháy nổ làm chết 8 người, thiệt hại hơn 400 tỷ đồng trong năm 2015

(SGGPO).- Sáng 8-1, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) TPHCM họp báo thông tin về tình hình công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ năm 2015.

Năm qua, trên địa bàn thành phố xảy ra 1.650 tai nạn, sự cố liên quan đến cháy, nổ và cứu nạn cứu hộ, làm chết 8 người, bị thương 46 người, thiệt hại tài sản ước tính hơn 400 tỷ đồng.

Ngoài ra, thành phố còn xảy ra 13 vụ cháy do tự đốt và 901 điểm báo cháy xảy ra sự cố cháy.

Lực lượng cảnh sát PCCC thành phố thực hiện 170 vụ cứu nạn, cứu hộ, giải cứu được 117 người, tìm được 53 thi thể nạn nhân.

Đối tượng cháy tập trung chủ yếu là cơ sở sản xuất, nhà dân trong khu dân cư (chiếm tỷ lệ gần 50%).  

Cảnh sát PCCC TPHCM tích cực chữa cháy tại đám cháy xảy ra ở Công ty TNHH thương mại Sản xuất kỹ thuật Á Châu (huyện Bình Chánh) vào ngày 7-12-2015

Đánh giá về tình hình cháy nổ năm 2015 ở thành phố, Đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Cảnh sát PCCC TPHCM, cho biết so với năm 2014, số vụ cháy nổ và thiệt hại trong năm 2015 có giảm. Tuy nhiên, đáng chú ý vẫn còn nhiều vụ cháy lớn, cháy lan xảy ra, làm thiệt hại nặng về tài sản.

Cụ thể, có 5 vụ cháy lớn có tổng thiệt hại 350 tỷ đồng. Kết quả phân tích các vụ cháy này cho thấy, nguyên nhân chủ yếu do đối tượng bị cháy (chủ cơ sở, chủ nhà…) và cả người dân xung quanh báo cháy đến cảnh sát chữa cháy chậm, lực lượng chữa cháy tại chỗ ứng phó không hiệu quả (yếu nghiệp vụ, thiếu thiết bị, không có sự chuẩn bị…).

Thời gian tới, cảnh sát PCCC TP sẽ phối hợp với cấp ủy, chính quyền và ngành chức năng các cấp khắc phục các tồn tại này thông qua việc tuyên truyền và đẩy mạnh xử lý các vi phạm. 

Để giảm số vụ cháy nổ xảy ra và hậu quả để lại trong thời gian tới, Đại tá Lê Tân Bửu đề nghị người dân thành phố cần nâng cao cảnh giác với cháy nổ bằng cách nghiêm chỉnh chấp hành đúng các quy định của Luật PCCC trong sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt hàng ngày, nâng chất lực lượng chữa cháy tại chỗ, về nhân sự, nghiệp vụ, phương tiện….

Để đảm bảo an toàn cháy ở thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, Đại tá Lê Tấn Bửu khuyến cáo, người dân cần: cẩn thận, lưu ý khi đun nấu. Không để các vật liệu dễ cháy (giấy, nhựa, mút xốp, xăng dầu…) gần nguồn lửa, nguồn nhiệt như: bếp nấu, ổ điện… Khi ra khỏi nhà, cần đóng ngắt cầu dao, nguồn điện, khóa van bình gas và không đốt nhang, đèn. Đối với các cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh, cần sắp xếp, chất hàng hóa gọn gàng, không che bít lối đi, cửa thoát hiểm. Đồi với khu vực kinh doanh, mua bán, để hàng hóa cách ly khu vực sinh hoạt, ngủ nghỉ. Đặc biệt, ngay lúc này, người dân cần kiểm tra, khắc phục các khiếm khuyết, hư hỏng hệ thống điện, thay mới bếp nấu không an toàn, không tồn trữ hóa chất, chất dễ cháy trong nhà. Phải trang bị bình CO2 trong nhà để xử lý kịp thời khi có sự cố cháy, nổ…

TUẤN VŨ

Tin cùng chuyên mục