TPHCM: Quyết liệt khắc phục tình trạng môi trường kém vệ sinh

Ngày 19-3, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cùng đoàn công tác làm việc với Ban Thường vụ Quận ủy quận 1 về chỉnh trang đô thị, vệ sinh môi trường trên địa bàn quận.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu kết luận buổi làm việc với Ban Thường vụ Quận ủy quận 1 về chỉnh trang đô thị, vệ sinh môi trường trên địa bàn. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu kết luận buổi làm việc với Ban Thường vụ Quận ủy quận 1 về chỉnh trang đô thị, vệ sinh môi trường trên địa bàn. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Chỉ cần có chủ trương

Theo báo cáo, hiện quận 1 có 18 nhà vệ sinh công cộng (NVSCC). Chủ tịch UBND quận 1 Lê Đức Thanh cho biết, để đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách, quận phát động phong trào vận động các chủ sở hữu hoặc đơn vị quản lý cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp trên địa bàn hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân và du khách được sử dụng miễn phí nhà vệ sinh. Đến nay, quận đã vận động được 100 cơ sở có lắp biển báo để người dân và du khách sử dụng miễn phí nhà vệ sinh. Cách làm này nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân.

Nhu cầu hiện rất lớn nhưng quỹ đất làm NVSCC trên địa bàn quận ít nên thời gian qua chỉ có các NVSCC tại chợ, công viên, bến xe buýt. Ngoài ra, quận còn gặp khó về chi phí đầu tư ban đầu và phí quản lý vận hành. Ông Vũ Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch UBND quận 1, cho biết, mỗi NVSCC xây mới cần khoảng 550 triệu đồng và cần 36 triệu đồng phí duy trì vận hành, quản lý mỗi tháng.

Để giải quyết khó khăn này, Phó Chủ tịch UBND quận 1 đề xuất TPHCM tạm giao cho quận sử dụng một phần diện tích đất trống ở các dự án chưa triển khai. Ngoài ra, TPHCM đầu tư ngân sách để quận xây dựng 5 NVSCC với kinh phí khoảng 2,5 tỷ đồng và chi phí vận hành khoảng 2 tỷ đồng/năm hoặc để quận sử dụng nguồn xã hội hóa. Tuy nhiên, TPHCM cần có cơ chế, chính sách để các nhà đầu tư khai thác quảng cáo, kinh doanh, thu hồi vốn.

Giám đốc Sở TN-MT TPHCM Nguyễn Toàn Thắng góp ý, đối với các quận trung tâm, hiện mô hình nhà vệ sinh lưu động sẽ phù hợp nhất, trong đó có quận 1. Ngoài ra, đối với nguồn xã hội hóa, chú ý lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, chuyên môn. TPHCM chỉ cần có chủ trương và tạo điều kiện để họ tham gia, các địa phương lựa chọn vị trí lắp đặt và tập trung vào việc giám sát, kiểm tra việc quản lý, vận hành. Đối với đề xuất của quận 1 sử dụng một phần diện tích đất chưa triển khai dự án, ông Nguyễn Toàn Thắng ủng hộ và đề xuất giao Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 1 triển khai thực hiện.

Đồng tình với đề xuất của quận 1, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phạm Đức Hải gợi ý, quận phối hợp với Sở Du lịch TPHCM để đưa vào bản đồ du lịch hệ thống các NVSCC, các cơ sở kinh doanh cho người dân và du khách sử dụng nhà vệ sinh miễn phí.

Trước các ý kiến tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường cho biết, tới đây TPHCM xây dựng đề án phát triển NVSCC, trong đó hướng đến xây dựng NVSCC đa năng, vừa đáp ứng nhu cầu vệ sinh, vừa khai thác quảng cáo và các dịch vụ tiện ích khác. Ngoài ra, chú trọng đến huy động nguồn lực, tăng cường xã hội hóa trong vận hành, quản lý. Cùng với đó, chú trọng thu hút nguồn vốn xã hội hóa, tiếp cận thêm nguồn vốn từ quỹ bảo vệ môi trường; ứng dụng công nghệ năng lượng sạch, công nghệ xử lý chất thải đảm bảo vệ sinh môi trường.

Vận động trường học, công sở tham gia

Nhắc lại những câu chuyện liên quan đến NVSCC, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên yêu cầu phải nhìn lại vấn đề này một cách nghiêm túc. Người dân TPHCM không thể chấp nhận tình trạng thiếu NVSCC, môi trường kém vệ sinh. Vì vậy, TPHCM phải hành động một cách quyết liệt để khắc phục tình trạng này trong thời gian sớm nhất.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, đây là nhu cầu thiết yếu của người dân và du khách. TPHCM không làm NVSCC với mục đích lấy thành tích, xếp thứ hạng mà hướng đến phục vụ người dân và du khách một cách tốt nhất. Từ đó, đồng chí đặt ra yêu cầu khi triển khai phải đa dạng, phong phú, linh hoạt và sáng tạo. Trong đó, đầu tư công, xã hội hóa kết hợp vận động các cơ sở kinh doanh, người dân cùng tham gia để mở rộng mạng lưới NVSCC. “Từ nay trở đi, TPHCM phải làm trên tinh thần mỗi ngày tốt hơn và tuyệt đối không được xấu hơn”, đồng chí nhấn mạnh và lưu ý các địa phương tính toán mật độ, vị trí, thời điểm lắp đặt, xây mới NVSCC. Đặc biệt chú ý phục vụ nhu cầu sử dụng của người khuyết tật.

Bên cạnh đó, đồng chí gợi mở, các địa phương rà soát trường học, bệnh viện, chợ, công sở, công viên, các cơ quan đơn vị trong hệ thống chính trị của thành phố, cơ quan đơn vị trung ương đóng trên địa bàn để vận động những nơi này tạo điều kiện cho người dân và du khách sử dụng miễn phí nhà vệ sinh. Đồng chí nhắc lại, việc nào vướng cơ chế, chính sách, quy định thì kiến nghị, đề xuất, tìm cách giải quyết chứ không thể thấy vướng, khó khăn rồi để đó, không làm. Về lâu dài, các địa phương cũng như quận 1 tiếp tục rà soát, kiểm tra tính đồng bộ về quy hoạch NVSCC, nơi nào chưa có phải đề xuất bổ sung vào quy hoạch.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện chỉnh trang đô thị nói chung, vệ sinh môi trường nói riêng, trong đó có NVSCC. Qua đó, các địa phương lập lại trật tự, kỷ luật, kỷ cương hành chính, góp phần để TPHCM hoàn thành mục tiêu xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Tin cùng chuyên mục