TPHCM tháo gỡ điểm nghẽn, tạo đà tăng tốc kinh tế - xã hội

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi lo lắng, vướng mắc về thủ tục hành chính vẫn là điểm nghẽn lớn nhất ảnh hưởng đến hấp thu vốn, kể cả giải ngân đầu tư công và hấp thu vốn đầu tư xã hội, khiến cho dòng tiền không chảy được vào sản xuất kinh doanh, không tạo được việc làm, giá trị kinh tế...
Ngày 29-6, UBND TPHCM tổ chức phiên họp tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ giải pháp 6 tháng cuối năm 2022. Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM dự và chỉ đạo. 
Đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM chủ trì phiên họp. Cùng dự có đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM.
TPHCM tháo gỡ điểm nghẽn, tạo đà tăng tốc kinh tế - xã hội ảnh 1 Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: VIỆT DŨNG
Tiếp tục phát huy tinh thần chủ động

Phát biểu chỉ đạo, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên bày tỏ phấn khởi khi kinh tế - xã hội TPHCM có nhiều chỉ số tăng trưởng cao, niềm tin của cán bộ, nhân dân và doanh nghiệp cũng tăng lên. 

Đồng chí cũng thống nhất với các đánh giá được nêu ra tại hội nghị. Đó là kinh tế TPHCM phục hồi nhanh, khá đồng bộ và tương đối toàn diện. Điều này thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp TPHCM. Hệ thống chính trị các cấp kịp thời, chủ động triển khai các chủ trương, chính sách, các giải pháp trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nhất là chính sách hỗ trợ.

TPHCM tháo gỡ điểm nghẽn, tạo đà tăng tốc kinh tế - xã hội ảnh 2 Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại phiên họp. Ảnh:VIỆT DŨNG

Đồng chí cũng đánh giá cao vai trò của HĐND TPHCM và Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM trong việc giám sát, lắng nghe tiếng nói của cử tri, người dân; giao nhiệm vụ, kiểm tra các hoạt của chính quyền trong thời gian qua.

Tuy nhiên, đồng chí Nguyễn Văn Nên nhận xét vẫn còn có chỗ, có nơi cần phải cố gắng nỗ lực nhiều hơn. Đồng thời, bày tỏ lo lắng khi hiện nay TPHCM vẫn còn đối mặt với những khó khăn, thách thức và những tồn tại, vướng mắc đòi hỏi phải nỗ lực tháo gỡ, vượt qua. Trong đó tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến khó lường, khó dự đoán với biến thể mới; dịch bệnh sốt xuất huyết đang có xu hướng gia tăng với số ca mắc.

Từ đó, đồng chí yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương không được chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh. Trong đó, TPHCM củng cố ngay trung tâm y tế và hệ thống y tế cơ sở; phối hợp giữa dân – quân y và chuẩn bị sẵn sàng các phương án. Cùng với đó, ngành tế TPHCM phối hợp với các cơ quan có liên quan phải sớm khắc phục tình trạng thiếu thuốc, không được để người dân thiếu thuốc điều trị. Đồng chí Nguyễn Văn Nên cũng lưu ý nhiều nội dung quan trọng liên quan đến nhiều vấn đề khác như bình ổn giá, sách giáo khoa, giải ngân vốn đầu tư công…

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên yêu cầu: Các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, nghiên cứu triển khai công việc, mỗi người, mỗi ngành làm đúng và làm tốt việc của mình. Song song đó, tăng cường kiểm tra giám sát và xử lý trách nhiệm nếu không thực hiện đầy đủ trách nhiệm được giao.
TPHCM tháo gỡ điểm nghẽn, tạo đà tăng tốc kinh tế - xã hội ảnh 3 Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ phát biểu tại phiên họp. Ảnh:VIỆT DŨNG

Trước đó, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ đề nghị, trong 6 tháng cuối năm, đề nghị Chủ tịch UBND TPHCM chỉ đạo quyết liệt, thực hiện đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2022 mà Nghị quyết HĐND TPHCM đã đề ra. 

Trước tình hình giá nguyên vật liệu tăng, tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống nhiều mặt của người dân, đồng chí đề nghị UBND TPHCM cần tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm về giá. Đồng thời quan tâm triển khai các chương trình bình ổn thị trường nhất là các mặt hàng thiết yếu.

Bên cạnh đó, UBND TPHCM cũng cần tập trung giải quyết các tồn tại, khó khăn trong thực hiện các gói an sinh xã hội có tiến độ chậm như gói hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỷ đồng. Để đảm bảo an sinh xã hội, cũng cần đẩy mạnh tiến độ thực hiện các dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân.

Đồng thời, UBND TPHCM cũng cần tập trung tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. 

"Chúng ta vui mừng khi vừa được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án Vành đai 3. Nhưng chúng ta còn nợ với nhân dân chưa hoàn thành Vành đai 2, hay bồi thường giải phóng mặt bằng dự án Metro 2…", đồng chí Nguyễn Thị Lệ bày tỏ.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Tô Thị Bích Châu thông tin thêm, qua giám sát, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM nhận thấy các khiếu nại, tố cáo của người dân liên quan đến công tác quản lý chung cư tăng cao so với hai năm qua. Đề nghị chính quyền các quận, huyện hết sức quan tâm tránh để những tranh chấp này trở thành điểm nóng.

Ngoài ra, qua khảo sát sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp về sự phục vụ của chính quyền nhận thấy có 1,3% người trả lời nói rằng khi thực hiện thủ tục hành chính có nộp tiền nhưng không có biên lai. Đây là thông tin mà UBND TPHCM cần lưu ý.

Nhận diện điểm nghẽn lớn nhất
Tại phiên họp, lãnh đạo UBND TPHCM, các sở ngành, UBND quận huyện, TP Thủ Đức đã tập trung thảo luận sâu về đánh giá mức độ phục hồi kinh tế xã hội TPHCM trong 6 tháng đầu năm. Đồng thời xác định những điểm nghẽn cần khơi thông để dòng tiền có thể chảy được vào sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, thu nhập, tăng thu ngân sách.
TPHCM tháo gỡ điểm nghẽn, tạo đà tăng tốc kinh tế - xã hội ảnh 4 Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại phiên họp. Ảnh:VIỆT DŨNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh: “Nhiệm vụ 6 tháng cuối năm không chỉ hoàn thành chỉ tiêu năm 2022 mà còn chuẩn bị nền tảng, tạo đà tốt để tăng tốc trong năm 2023”.
Tại phiên họp này, lãnh đạo Sở Y tế cũng cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 ở một số quận, huyện có tỷ lệ tiêm chủng vaccine mũi nhắc lại thấp.
Về những vướng mắc trong điều hành ngân sách các quận khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị, Giám đốc Sở Tài chính Phạm Thị Hồng Hà cho biết trước mắt TPHCM đã bố trí gói điều hành chung về ngân sách khoảng 749 tỷ đồng để bổ sung cho khoản chi đột xuất phát sinh của các quận.
Báo cáo kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm, Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM Lê Thị Huỳnh Mai nhận định, kinh tế xã hội TPHCM đã phục hồi sớm hơn so vời kỳ vọng. Kinh tế TPHCM phục hồi tăng trưởng theo hình chữ V và đến nay đã ổn định. Điều này cho thấy quá trình phục hồi kinh tế đi đúng hướng, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát huy hiệu quả tích cực, hoạt động kinh tế - xã hội đã trở lại như trước khi có dịch.
Một trong những hạn chế lớn nhất trong 6 tháng qua là tỷ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022 chưa đạt như kỳ vọng. Đồng thời đánh giá về khả năng hấp thụ vốn của nhiều lĩnh vực còn thấp. Một phần nguyên nhân là những vướng mắc, cản trở về thể chế, chính sách nói chung. Mặt khác, môi trường đầu tư còn chưa hấp dẫn, trong đó có nguyên nhân chủ quan từ phía đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, nhất là trong phối hợp giải quyết các thủ tục đầu tư, đất đai, tài sản công còn mất nhiều thời gian.
Nhận định thêm về vấn đề này, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi lo lắng, vướng mắc về thủ tục hành chính vẫn là điểm nghẽn lớn nhất ảnh hưởng đến hấp thu vốn, kể cả giải ngân đầu tư công và hấp thu vốn đầu tư xã hội, khiến cho dòng tiền không chảy được vào sản xuất kinh doanh, không tạo được việc làm, giá trị kinh tế...
Tháo gỡ tạo đà tăng tốc
Tiếp thu và kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận định, kinh tế TPHCM đã phục hồi nhanh, khá toàn diện, cơ bản đạt được mức trước dịch. Theo đồng chí, quá trình phục hồi mạnh mẽ cũng đòi hỏi thủ tục hành chính phải được giải quyết nhanh hơn.
Về nhiệm vụ giải pháp 6 tháng cuối năm, đồng chí Phan Văn Mãi đề nghị các đơn vị tập trung rà soát, quyết liệt thực hiện 19 chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2022 theo Nghị quyết HĐND TPHCM, nhất là chỉ tiêu thu chi ngân sách.
Với 49 chương trình, đề án thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ TPHCM, đồng chí đề nghị các đơn vị tập trung triển khai, quyết tâm đến tháng 10-2022 tất cả các đề án phải được đưa vào triển khai thực hiện, không còn “trên giấy”.
Đồng thời, yêu cầu các đơn vị triển khai quyết liệt các dự án đầu tư công. Trong đó, tập trung triển khai các dự án trọng điểm như chương trình nhà ở, chống ngập, giao thông, trung tâm tài chính…
Về lĩnh vực y tế, Chủ tịch UBND TPHCM thông tin, trong tháng 7-2022 TPHCM sẽ đưa vào hoạt động Trung tâm mua sắm, rà soát công tác mua sắm để đảm bảo thuốc men, vật tư y tế. Đồng chí yêu cầu các đơn vị tập trung công tác an sinh xã hội. Trong đó, ngành lao động tiếp tục nghiên cứu đề xuất chính sách hỗ trợ.
Với những tồn đọng, vướng mắc cần khơi thông để kinh tế xã hội TPHCM phục hồi tốt trong thời gian tới, đồng chí Phan Văn Mãi đề cập đến các ngành như quy hoạch, tài nguyên môi trường, xây dựng, kế hoạch đầu tư, thuế… Các ngành này cần hoàn thiện cơ sở dữ liệu, liên thông, phối hợp đồng bộ để thủ tục chạy nhanh hơn. Đồng thời, để tạo đà tăng tốc trong năm 2023, đồng chí Phan Văn Mãi thông tin, TPHCM đang tích cực chuẩn bị, trong đó có việc chuẩn bị các nội dung đề xuất Thủ tướng trong buổi làm việc vào tháng 7.
Cùng với đó, TPHCM đang rà lại các công trình dự án lớn để nghiên cứu triển khai, chẳng hạn như: Khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa đã kéo dài nhiều năm, hay mục tiêu đến năm 2025 cơ bản xóa được nhà trên và ven kênh rạch, đến năm 2030 có thể cơ bản khép kín được hệ thống metro…
“Với cách tiếp cận hiện nay rất khó đạt được. Cần xác định danh mục công trình dự án để chúng ta chuẩn bị cho giai đoạn 2023-2025 và sau năm 2025”, đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh. Bên cạnh đó cần hoàn thiện kế hoạch sắp xếp và triển khai sắp xếp các doanh nghiệp nhà nước; hoàn thiện và triển khai Đề án quản lý sử dụng hiệu quả tài sản công, vừa quản lý chặt chẽ vừa phát huy được nguồn lực.

Số liệu kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2022:

- Tăng trưởng Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP): 728.706 tỷ đồng, tăng 3,82% so với cùng kỳ. 

- Chỉ số sản xuất công nghiệp: tăng 3,1% so với cùng kỳ

- Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp TPHCM qua cửa khẩu cả nước: 24,9 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ

- Tổng doanh thu du lịch: 49.681 tỷ đồng, tăng 29,9% so với cùng kỳ. 

- Tổng thu ngân sách nhà nước: 238.600 tỷ đồng tỷ đồng, đạt 61,74% dự toán năm, tăng 17,49% so với cùng kỳ.

Tin cùng chuyên mục