Trả lại vị thế môn Sử

Cuối tuần qua, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội, Quỹ phát triển sử học Việt Nam đã tổ chức lễ tuyên dương và trao thưởng cho học sinh đoạt giải nhất - nhì - ba môn lịch sử kỳ thi chọn học sinh giỏi (HSG) quốc gia THPT năm 2013. Một giải thưởng lẽ ra phải là một niềm vui toàn diện, nhưng với giải thưởng môn Sử, ngẫm kỹ lại thấy ngậm ngùi, khi mà hiện nay quá nhiều học sinh chán học sử.

Thực tế, lễ trao giải thưởng cho HSG quốc gia môn Sử năm nay diễn ra trong bối cảnh trước đó, khi biết tin thi tốt nghiệp THPT không có môn Sử, nhiều học sinh Trường Nguyễn Hiền (TPHCM) đã xé đề cương môn này, tung xuống sân trường gây xôn xao dư luận.

Trước đó là hàng ngàn điểm thi đại học môn Sử bị điểm 0. Nói thế để thấy, câu chuyện học sinh chán môn Sử đã là câu chuyện cũ, từng được các nhà giáo dục, nhà sử học, giáo viên và chính bản thân học sinh đem ra mổ xẻ nhiều lần. Lần mổ xẻ nào cũng khẳng định việc học sử hiện nay không được quan tâm trong nhà trường. Học sinh chỉ học đối phó, phục vụ mục tiêu thi cử chứ không phải xuất phát từ mong muốn tìm hiểu truyền thống lịch sử dân tộc. Còn việc dạy - học sử trong trường phổ thông hiện nay rất máy móc, chủ yếu giáo viên cho học sinh chép, học thuộc để phục vụ thi cử, trong khi học sinh hiện nay rất ngại học thuộc, đó là lý do khiến học sinh chán sử.

Dĩ nhiên, không phải ngành giáo dục không nhận thấy điều này. Chính Bộ GD-ĐT cũng đã mời giới sử học vào cuộc để cùng ngành giáo dục giải quyết điều này. Phía các nhà dạy sử luôn lý giải học sinh không thích môn Sử, thậm chí chán, hoàn toàn không phải do học sinh, không phải do bản thân môn Sử hay nói cách khác là nội dung lịch sử, mà là do sách giáo khoa và phương pháp dạy sử hiện nay.

Như GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam khẳng định, do môn Sử chưa được đặt đúng vị thế của nó trong nền giáo dục phổ thông và chế độ thi cử nặng nề đã tác động đến động cơ học tập của học sinh theo chiều hướng tiêu cực. Không phải tất cả học sinh đều ghét bỏ môn Sử và nếu dạy tốt, học tốt, môn Sử có đầy đủ khả năng tạo nên hứng thú trong học sinh và hoàn thành chức năng của nó trong nhiệm vụ giáo dục thế hệ trẻ. Các em HSG quốc gia môn Sử chính là chứng cứ của điều đó.

Lý lẽ này của giới sử học cũng như của chính ngành giáo dục là hoàn toàn đúng, tuy nhiên có lẽ chưa đủ. Vì hơn hết, theo lý giải của chính bản thân học sinh, cuộc sống hiện đại hiện nay, học sinh thường nghiêng về học những môn thực dụng như Toán, ngoại ngữ để giúp cho công việc sau này. Môn Sử không thực dụng, không phục vụ công việc trong tương lai của các em. Đó là lý do chính học sinh không quan tâm đến việc học sử.

Điều này được minh chứng rõ nét hơn qua con số năm 2012, trong số 211 HSG quốc gia môn Sử được miễn thi và được tuyển thẳng vào đại học ở các khoa có môn Sử (khối C) chỉ có 13 em (chưa đến 1%) sử dụng quyền tuyển thẳng của mình để vào đại học. Còn lại hầu hết các em thi vào các trường khác, bỏ qua quyền tuyển thẳng đại học của mình. Kể cả trong số HSG sử năm 2013 này, hiếm hoi mới có một vài em cho biết sẽ theo học ngành sử. Cũng với câu chuyện này, cách đây không lâu, khi nổ ra chuyện hàng ngàn bài thi môn Sử bị điểm 0, nhà sử học Dương Trung Quốc khi đó đã trả lời PV Báo SGGP rằng, nếu có nhiều ngành học lương hấp dẫn 2.000 - 3.000 USD cho học sinh mê sử, chắc chắn tình hình sẽ khác”.

Như vậy, để biến môn Sử thành môn học thực dụng như suy nghĩ của học sinh là cả một con đường dài, mà ngay bản thân ngành giáo dục, giới sử học cũng không thể gánh vác. Tuy nhiên, như GS Phan Huy Lê phân tích, cần phân biệt rạch ròi giữa yêu cầu giáo dục môn Sử bậc phổ thông với việc đào tạo chuyên ngành sử bậc đại học. Chức năng của môn Sử không chỉ trang bị một số kiến thức lịch sử cần thiết mà còn dưỡng tinh thần yêu mến lịch sử dân tộc, trân trọng các giá trị và lịch sử văn minh nhân loại, giáo dục các truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tức là bồi dưỡng năng lực và phẩm chất con người.

Sau bậc phổ thông, hầu hết học sinh sẽ đi vào các ngành nghề rất khác nhau và hầu như không được tiếp tục học sử. Đó là điều rất bình thường vì yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển. Vì thế, có thể môn Sử không bao giờ trở thành môn học thực dụng được học sinh lựa chọn. Nhưng chức năng giáo dục thế hệ trẻ của môn Sử thì nhất định phải được tìm lại, trả lại cho nó. Vì hơn bao giờ hết, trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa sâu rộng hiện nay, việc “biết sử ta” phải là yêu cầu đầu tiên đối với giới trẻ. Và con đường duy nhất trả lại chức năng đó cho môn Sử chính là thay đổi cách dạy - học sử hiện nay, mang đến sức hấp dẫn cho môn Sử - như bản thân nó vốn đáng ra phải có.

Phan Thảo

Tin cùng chuyên mục