Trách nhiệm cộng đồng

VIỆT QUANG

Liên quan đến sự kiện CLB Manchester City sang Việt Nam, trên cộng đồng mạng có không ít ý kiến cho rằng các cầu thủ đến từ nước Anh thể hiện thái độ thiếu thiện chí trong những ngày ở Việt Nam, nhất là với giới truyền thông và người hâm mộ. Một số ý kiến còn quy kết, họ sang đây chỉ vì tiền.

Đương nhiên, một trong những lý do chính để Man.City sang Việt Nam đó là khoản tiền được nhận từ đối tác Ngân hàng SHB. Tuy nhiên, nếu chỉ đơn thuần là vì tiền thì họ không đi xa và ở lâu đến vậy. Cũng không có ai ép được họ phải tham gia giao lưu với các CĐV hay thăm làng trẻ em SOS Hà Nội. Nói cách khác, không thể trách sự thiếu thiện chí của những cầu thủ đa quốc tịch tại Man.City, không thể nói rằng họ phải yêu Việt Nam trước khi đến. Việc họ đến Việt Nam thực tế là phần trách nhiệm của họ trong hoạt động phát triển thị trường, quảng bá hình ảnh CLB.

Nghe thì đơn giản nhưng thử hỏi ngay tại Việt Nam, đã có CLB bóng đá nào thể hiện được trách nhiệm của mình đối với cộng đồng hay kể cả phục vụ cho việc kinh doanh của CLB của mình? Các cầu thủ Việt Nam chỉ đợi đến ngày thi đấu là ra sân, nhiều lúc còn thi đấu không hết sức mình khiến khán giả phẫn nộ, chưa nói tiêu cực vẫn còn tồn tại. Nói ra thì ai cũng bảo khán giả chính là nguồn sống của bóng đá, nhưng thực tế thì các hoạt động mang tính cộng đồng tại Việt Nam rất hiếm thấy.

Tại TPHCM hiện nay có một CLB bóng đá đến từ Nhật Bản đang xây dựng lực lượng để tham gia bóng đá chuyên nghiệp tại Việt Nam. Thời gian đầu, họ tuyển cầu thủ ngoài yếu tố chuyên môn còn yêu cầu phải tham gia những hoạt động giao lưu bóng đá tại các trường tiểu học, trung học, thậm chí còn xem đây là nhiệm vụ chính. Theo giải thích của người đứng đầu CLB thì tại Nhật Bản, mọi đội bóng từ phong trào đến chuyên nghiệp đều có trách nhiệm xây dựng lực lượng CĐV riêng bằng các hoạt động giao lưu cộng đồng như vậy. Nếu chưa làm điều đó thì sẽ không đủ tiêu chuẩn để được cấp phép thi đấu. Thậm chí, theo quy định của giải chuyên nghiệp Nhật Bản J-League, mỗi CLB phải có 30% cổ phần của chính quyền địa phương và 30% ý kiến quyết định các vấn đề của CLB được trao cho hội CĐV.

Bóng đá Việt Nam đang xây dựng theo mô hình của Nhật Bản, tuy nhiên cho đến nay, các hội CĐV đều không liên quan gì đến các CLB và các đội bóng thì luôn than thở không lấy được tiền từ CĐV. Từ đó dẫn đến việc các doanh nghiệp cũng chỉ tham gia tài trợ cho bóng đá ở các địa phương có sẵn CĐV truyền thống hoặc nhận được lợi ích về đất đai, cơ chế. Trong khi đó, ai cũng biết sẽ không thể phát triển CLB nếu thiếu khán giả trung thành. 

Lấy ví dụ từ Man.City, dù CĐV của họ tại Việt Nam chưa đến 1 vạn, dù thị trường Việt Nam chưa tiêu thụ được chiếc áo chính thức nào, nhưng họ vẫn sang Việt Nam để tìm cách xây dựng hình ảnh. Có thể họ chưa hào hứng với điều này, nhưng chí ít, họ đã thể hiện được trách nhiệm của mình đối với những đồng tiền mà họ nhận được từ Việt Nam.

Không chỉ bóng đá, nhiều môn thể thao chuyên nghiệp khác của Việt Nam rất yếu, thậm chí là không có các hoạt động tuyên truyền, quảng bá cho môn chơi của mình. Việc tận dụng quá nhiều nhưng không chăm lo từ cơ sở vật chất đến tình yêu của người hâm mộ, dần dà đã khiến thể thao đỉnh cao thiếu vắng khán giả dù ở mảng phong trào vẫn phát triển sâu rộng. Không phải tự nhiên mà thể thao Nhật Bản, Hàn Quốc hay Thái Lan có đến 80% cơ sở thi đấu, tập luyện có đẳng cấp được đặt trong các trường đại học, trong khi tại Việt Nam, dù đa số cơ sở vật chất thi đấu nằm trong đô thị, sát khu dân cư nhưng khán giả lại ngày càng vắng.

Điều này cũng chính là câu trả lời cho việc các liên đoàn thể thao hoạt động ngày càng èo uột, thậm chí không tìm được các chức danh đứng đầu là người có địa vị cao ngoài xã hội. Một khi chính những người làm thể thao không tìm cách gần với cộng đồng thì xã hội cũng khó tham gia chung tay phát triển.

VIỆT QUANG

Tin cùng chuyên mục