Trách nhiệm của toàn xã hội

Ngày 16-12, Bộ Công an đã phát lệnh ra quân tấn công trấn áp tội phạm trên quy mô toàn quốc nhằm giải quyết dứt điểm về các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm hình sự, tội phạm có tổ chức hoạt động theo kiểu xã hội đen, các băng, nhóm đâm thuê, chém mướn, đòi nợ thuê; tổ chức cờ bạc, cá độ bóng đá, sử dụng vũ khí nóng, trộm cắp tài sản...

Là một trong 18 tỉnh, thành trọng điểm, TPHCM được coi là một “vùng trũng” của tội phạm nên Bộ Công an sẽ tăng cường lực lượng để hỗ trợ Công an TPHCM trấn áp các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm về hình sự. Lệnh tấn công, do Bộ Công an vừa tuyên bố đó không chỉ là “lệnh” mà đó chính là lời tuyên chiến của lực lượng công an với bọn tội phạm các loại.

Thời gian qua, mặc dù TPHCM đã nhiều lần ra quân trấn áp các loại tội phạm, nhưng tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, vẫn nổi lên nhiều hoạt động của nhiều băng nhóm côn đồ, lưu manh chuyên nghiệp, tội phạm sử dụng vũ khí nóng hoạt động lưu động, tập trung ở các tuyến, địa bàn trọng điểm.

Cách đây hơn 30 năm, lực lượng Săn bắt cướp (SBC) được nhân dân cả nước yêu quý và tin tưởng bởi sự bảo vệ tưởng như vô hình của họ trên những đoạn đường tối tăm, những khi hoạn nạn. Và đến nay, những người dân TPHCM mỗi khi gặp khó khăn, nguy hiểm họ vẫn mong nhận được sự giúp sức từ những người lính mặc thường phục của lực lượng cảnh sát hình sự này.

Cách làm của TP Hà Nội rất đáng học tập. Cách đây không lâu, Công an Hà Nội thành lập lực lượng đặc nhiệm 141 gồm lực lượng cảnh sát hình sự, cảnh sát giao thông và cảnh sát động cùng phối hợp trong trấn áp các loại tội phạm. Chỉ trong thời gian ngắn, lực lượng 141 của Hà Nội đã chứng minh bản lĩnh của người lính trong nỗ lực mang lại sự bình yên trong cuộc sống cho nhân dân. Hơn 4 tháng hoạt động, Đội đặc nhiệm 141 đã phát hiện xử lý gần 5.000 trường hợp vi phạm pháp luật và vi phạm trật tự, thu giữ nhiều súng, đạn cùng dao kiếm và các loại ma túy tổng hợp... Điều này không chỉ ngăn chặn được biết bao cuộc đổ máu có thể diễn ra. Tất cả mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, không thể để bất cứ một trường hợp ngoại lệ nào vi phạm mà không xử lý. Đấy không chỉ là lời khẳng định một lập trường nghiêm minh của lực lượng công an mà đấy chính là sự phá bỏ đặc quyền vô hình để thực hiện sự minh bạch, công minh của pháp luật.

Kết quả của cuộc chiến công khai mang số hiệu “141” cho kinh nghiệm quý đối với TPHCM trong việc ngăn ngừa và chặn đứng các hành vi vi phạm, các vụ phạm pháp hình sự, bảo đảm tình hình an ninh trật tự. Hơn lúc nào hết, nhân dân TPHCM luôn ủng hộ và sát cánh cùng các lực lượng công an trấn áp tội phạm.

Đối với Công an TPHCM - lực lượng nòng cốt trong cuộc tổng tiến công này, cần tiếp tục tăng cường chỉ đạo toàn lực lượng làm tốt công tác nghiệp vụ cơ bản, chủ động nắm chắc tình hình để kịp thời có biện pháp phòng ngừa đấu tranh hiệu quả. Ngoài ra, tiến hành rà soát, tăng cường quản lý đối tượng tại cơ sở; xác minh truy bắt, thanh loại đối tượng truy nã; đấu tranh mạnh triệt phá các băng nhóm tội phạm, tập trung là tội phạm giết cướp, hoạt động theo kiểu xã hội đen, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê, tội phạm gây án trên tuyến giao thông; cướp tài sản lái taxi, trộm cướp xe máy... Đồng thời, khảo sát và có biện pháp cụ thể ngăn ngừa tội phạm nổi cộm như chống người thi hành công vụ, từ đó góp phần kiềm chế sự gia tăng của tội phạm hình sự, giữ vững sự bình yên cho xã hội.

Phạm Thục

Tin cùng chuyên mục