Từ xưa, ở mọi quốc gia khai trí, văn học nghệ thuật (VHNT) luôn có chỗ đứng hàng đầu trong hoạt động tinh thần của con người và xã hội. Sở dĩ như vậy là do VHNT có thiên chức tự nhiên bảo toàn con người, hoàn thiện cuộc sống của con người. Lịch sử nhân loại cho thấy, ở đâu, lúc nào VHNT hưng thịnh thì đời sống tươi vui hạnh phúc và lúc nào, ở đâu VHNT sa đọa, tàn lụi thì con người điêu đứng, xã hội điêu tàn. Qua cọ xát thực tiễn, chức năng của VHNT đã được khẳng định, phù hợp với nhu cầu hoàn thiện cuộc sống trong bối cảnh phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại. Xã hội ngày nay càng cần những tác phẩm tốt và hay, có khả năng đem lại lợi ích thiết thực cho công chúng.
Vậy nhưng, chỉ riêng hoạt động điện ảnh, có thể thấy thời gian qua, chẳng những chưa đạt được các tiêu chí cơ bản phổ dụng kể trên, mà ở một số mặt còn ngược lại. Cánh cửa giao lưu quốc tế nước ta rộng mở đúng vào giai đoạn phương tiện truyền thông quốc tế phát triển vũ bão, thị trường nghe nhìn trong nước tràn ngập các loại sản phẩm nhưng tinh hoa ít, rác rưởi nhiều. Làn sóng ngoại nhập này cùng với tình trạng hỗn loạn của thị trường nghe nhìn nội địa đã khơi nguồn cho dòng phim thương mại kém chất lượng tranh giành thị phần ở mọi điểm chiếu, gây ra cuộc khủng hoảng từ sản xuất tới phổ biến phim trên diện rộng suốt thời gian dài.
Trước thói quen thưởng thức thiên lệch của nhiều khán giả trẻ và hiện tượng trì trệ chậm cập nhật, cách tân của không ít tác giả cùng nhà sản xuất phim, hàng loạt phim có đề tài, chủ đề và nhân vật tốt đã không tiếp cận được với công chúng. Các hãng phim nhà nước cố thủ nếp hoạt động cũ, đã không thành công trong nhiệm vụ dùng công quỹ chế tác các tác phẩm nghe nhìn phục vụ đông đảo công chúng. Ở đây, nguyên nhân đến từ hai phía: phía chủ thể sáng tạo, hoặc thiếu tài năng hoặc chưa đủ trách nhiệm theo thiên chức của mình và phía thưởng thức, luôn bị bó hẹp nhu cầu trong các hình thức giải trí đơn thuần và giản tiện. Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân then chốt là tình trạng eo hẹp, bất tiện của thị trường điện ảnh - cửa sống duy nhất của loại hình nghệ thuật đặc thù này.
Hệ quả của tình trạng thiếu tác phẩm điện ảnh nội địa tốt và hay, phù hợp với đông đảo công chúng rơi vào thời điểm phim ngoại nhập tràn ngập trên màn ảnh lớn nhỏ cả nước, với đủ loại siêu phẩm đầy ắp kỹ xảo siêu việt nhưng lạnh lẽo tình người và xa lạ với đời sống xứ ta. Điều này đã đẩy cuộc đua tranh không công bằng giữa hai dòng phim được mệnh danh là “nghệ thuật” và “thương mại” phát triển cực đoan theo hai hướng ngược chiều nhau, mà lẽ ra, cả nghệ thuật lẫn thương mại đều cần phải hòa hợp khắng khít trong một tổng thể tác phẩm có giá trị nhân sinh lẫn kinh doanh. Ngày nay, trước hiện tượng nhân cách con người, đạo đức xã hội có biểu hiện xuống cấp đáng quan ngại, các chuyên gia đã chỉ ra chuỗi nguyên nhân sâu xa cũng như trực tiếp, trong đó có sự xa rời trận địa của hoạt động VHNT nói chung, điện ảnh nói riêng. Rõ ràng là, càng có ngôn ngữ độc đáo phổ dụng, nghệ thuật càng tác động sâu rộng hơn và càng có trách nhiệm đời sống lớn, nặng hơn.
Mới đây, phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh công chiếu, được đông đảo khán giả đón nhận, tạo ra những luồng dư luận sôi nổi. Rõ ràng, đây là hiện tượng đột phá đáng vui và đáng quan tâm, chẳng những đối với giới làm phim mà còn đối với giới nghiên cứu cũng như công chúng xem phim. Một cách giản dị, chân thực và thâm trầm, các tác giả đã vẽ nên bức tranh thuần sắc về một thời ấu thơ ngập tràn kỷ niệm nơi miền quê quen thuộc. Bộ phim toát lên một phong cách giản sơ mà sâu sắc, thuần Việt cả trong bài trí, dàn dựng lẫn trong nghệ thuật diễn đạt.
Thành công bước đầu của bộ phim cho thấy tầm quan trọng của vấn đề được đề cập; phương pháp thể hiện hướng tới nhu cầu của người xem nhằm đáp ứng đòi hỏi tự nhiên về các giá trị văn học, mỹ học và nhân văn của câu chuyện; hình tượng chân thực, sống động của nhân vật, cũng như hiệu quả kết hợp hài hòa sắc thái dân tộc với yếu tố hiện đại trong tác phẩm. Góp phần vào thành công của bộ phim còn là uy tín vốn có của nguyên tác văn học cùng hiệu quả quảng bá sâu rộng trước, trong đợt chiếu. Và điều quyết định cuối cùng thuộc về phương tiện phổ biến: hệ thống rạp chiếu phim.
Khó khăn mà điện ảnh nước ta phải đương đầu lâu nay nằm ở cả đầu vào lẫn đầu ra. Trong khi chưa đủ nhân tài, thiếu vốn và kém kỹ thuật làm hạn chế kết quả chế tác phim thì thị trường điện ảnh của ta lại bị bó hẹp chỉ ở các khu đô thị đông dân. Hệ thống rạp chiếu ấy bị thâu tóm bởi một số đại gia có vốn nước ngoài - nơi không phải lúc nào cũng sẵn sàng hỗ trợ phim nội địa.
Nước ta đang trên đà hội nhập sâu và phát triển nhanh. Bên cạnh phát triển kinh tế, đòi hỏi sự đồng hành đồng bộ của văn hóa văn nghệ theo quy luật khách quan nhằm hoàn thiện con người cùng xã hội. Ngành điện ảnh cũng như các ngành nghệ thuật khác cần tập trung tạo ra những đột phá trong sáng tác cũng như trong phổ biến tác phẩm, góp phần thiết thực thúc đẩy công cuộc phát triển đất nước cân bằng và bền vững.
PGS-TS TRẦN LUÂN KIM