Trách nhiệm trước các vấn đề quốc kế dân sinh

Thời gian qua, Chính phủ đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển khoa học công nghệ, duy trì nhịp độ tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, tháo gỡ khắc phục khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội…

Thế nhưng, tình hình hiện nay cho thấy, nhân dân vẫn còn những băn khoăn, lo lắng về nền kinh tế đất nước phát triển chưa bền vững, nợ công ở mức cao, chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của quốc gia, doanh nghiệp, sản phẩm và năng suất lao động của Việt Nam còn thấp. Việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế còn chậm, một số sản phẩm nông nghiệp giá thấp, tiêu thụ khó khăn. Tình trạng lao động thất nghiệp, thiếu việc làm còn diễn ra gay gắt. Tình trạng ô nhiễm môi trường, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tội phạm xã hội, tai nạn giao thông còn diễn biến phức tạp và đáng lo ngại. Thời tiết diễn biến bất thường, gây hạn hán nhiều nơi, ngập úng ở Hà Nội, TPHCM, lũ lụt ở miền Trung… đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống nhân dân. Đặc biệt, sự cố ô nhiễm môi trường biển miền Trung do Formosa gây ra cũng như nạn thực phẩm bẩn tràn lan đã gây bức xúc lớn trong nhân dân.

Đáng chú ý, báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam xem xét vào đầu tháng 10 cho thấy một vấn đề nổi lên gần đây trong tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Đó là tuy đồng tình, đánh giá cao quyết tâm của Đảng, Nhà nước thời gian qua đã tập trung chỉ đạo việc phòng chống tham nhũng lãng phí, đưa ra xét xử các vụ án lớn nhưng nhân dân vẫn vô cùng bức xúc trước thực trạng tham nhũng. Trong đó, nổi lên nhất là bất bình của nhân dân trước vụ việc ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, mặc dù làm thua lỗ hàng ngàn tỷ đồng của Nhà nước nhưng vẫn được luân chuyển, bổ nhiệm giữ các vụ chức quan trọng tại Bộ Công thương, UBND tỉnh Hậu Giang, sau đó ông Thanh đã bỏ trốn. Nhân dân đề nghị lãnh đạo Đảng, Nhà nước chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có liên quan cố tình tiếp tay cho các cá nhân vi phạm, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, công tác quản lý điều hành của Nhà nước.

Cũng chưa bao giờ như thời gian gần đây, thông tin trên mạng và trong nhân dân có nhiều ý kiến trái chiều về việc bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo thiếu minh bạch về phẩm chất, lối sống của cán bộ chủ chốt ở các tỉnh Hà Giang, Thanh Hóa, Bình Phước, Yên Bái… Công tác luân chuyển cán bộ, đào tạo cán bộ ở một số nơi chưa dựa trên cơ sở đánh giá và quy hoạch, gây bất bình trong nhân dân. Hơn bao giờ hết, nhân dân mong Đảng, Nhà nước chỉ đạo các cơ quan chức năng làm rõ, xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm. Quan trọng hơn, người dân mong việc thực hiện quy hoạch, bố trí cán bộ phải đảm bảo dân chủ, công bằng để chọn được người hiền tài cống hiến cho sự phát triển của quê hương, đất nước.

Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV khai mạc trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn (năm 2016 ngân sách Trung ương hụt thu khoảng 8.000 - 12.000 tỷ đồng), nợ công vẫn rất cao và xã hội thì có nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Tựu trung, những vấn đề mà người dân đòi hỏi Chính phủ sớm giải quyết ổn thỏa hiện nay vẫn là về sản xuất kinh doanh, việc thực hiện các chính sách xã hội, về GD-ĐT, y tế và vệ sinh an toàn thực phẩm, về trật tự an toàn giao thông, về việc quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí. Đó cũng chính là những vấn đề quốc kế dân sinh mà nhân dân, cử tri mong mỏi Quốc hội sẽ góp phần làm rõ, thúc đẩy Chính phủ giải quyết.

Nhân dân cũng mong mỏi Quốc hội sẽ bàn thảo và quyết định nhiều vấn đề quan trọng, đưa ra những quyết định phù hợp với thực tiễn đất nước hiện nay. Trong đó có vấn đề khắc phục hậu quả do sự cố môi trường và bài học kinh nghiệm, các giải pháp để bảo vệ môi trường; quyết định các chủ trương đầu tư mà không làm nợ công vượt trần (nợ công hiện là 62,3%, vẫn dưới trần cho phép là 65%); giải pháp để bảo đảm thu ngân sách bền vững chứ không phải tăng thu nội địa là nhờ số thu phát sinh đột biến và do điều chỉnh chính sách như hiện nay. Ngoài ra, ngay cả trong công tác làm luật, nhân dân cũng mong Quốc hội sẽ đổi mới cách làm, nâng cao chất lượng, không để như tình trạng vừa qua luật chưa đi vào thi hành đã phải hoãn lại để sửa.

Kỳ họp này là một kỳ họp dài. Dù 65% thời gian của kỳ họp là dành cho công tác lập pháp, nhưng cử tri, nhân dân cả nước đều trông chờ Quốc hội, các ĐBQH sẽ góp phần giải quyết được những vấn đề quốc kế dân sinh. Muốn vậy, các ĐBQH phải nâng cao ý thức, trách nhiệm, bản lĩnh và năng lực của mình, tích cực tham gia đóng góp ý kiến nhằm chuyển tải những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri đến diễn đàn Quốc hội. Trách nhiệm, trí tuệ và bản lĩnh - mỗi ĐBQH phải thể hiện được điều đó để xứng đáng với sự tin tưởng của cử tri trong thực hiện nhiệm vụ giám sát tối cao, xây dựng luật và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Lâm Nguyên

Tin cùng chuyên mục