Trăm dâu đổ đầu hiệu trưởng

Theo điều lệ trường tiểu học, hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm tổ chức, quản lý các hoạt động và chất lượng giáo dục của nhà trường. Tuy nhiên, với nhiều quy định ràng buộc hiện nay, trường công lập chỉ có thể đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng dạy học ở mức tối thiểu nếu hoạt động dựa vào nguồn kinh phí được cấp theo ngân sách.

Theo điều lệ trường tiểu học, hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm tổ chức, quản lý các hoạt động và chất lượng giáo dục của nhà trường. Tuy nhiên, với nhiều quy định ràng buộc hiện nay, trường công lập chỉ có thể đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng dạy học ở mức tối thiểu nếu hoạt động dựa vào nguồn kinh phí được cấp theo ngân sách.

Trước nhu cầu cải tiến chất lượng học tập của phụ huynh, cũng như sự phát triển của xã hội, trường học không thể đứng yên trong vỏ bọc quy định. Do đó, vai trò của hiệu trưởng trong thời buổi hiện đại, theo thạc sĩ Lê Ngọc Điệp, nguyên Trưởng phòng Giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT TPHCM, không còn bó hẹp trong nhiệm vụ tổ chức thực hiện chương trình giáo dục, chăm lo dạy trẻ phát triển về các mặt đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ, mà phải đóng nhiều vai. Hiệu trưởng vừa là nhà dinh dưỡng, phải tính toán “liệu cơm gắp mắm” cho bữa ăn bán trú của học sinh sao cho đủ dinh dưỡng, thực đơn thay đổi, không để xảy ra tình trạng ngộ độc, vừa là nhà ngoại giao, vận động phụ huynh đóng góp một số khoản thu hợp lý, không rơi vào lạm thu, đồng thời còn là nhà kinh tế, lo phúc lợi chung cho tập thể, phân phối các khoản thu - chi công bằng, hợp lý… Những vai trò này, trường quản lý giáo dục chưa có giáo trình đào tạo nhưng bản thân hiệu trưởng phải làm và chịu trách nhiệm về tất cả điều đó.

Bên cạnh đó, về đổi mới phương pháp giảng dạy, theo tiến sĩ Lê Thị Ngọc Điệp, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, qua thực tiễn làm công tác quản lý cũng như tham khảo kinh nghiệm của trường bạn thì thấy rõ nơi nào hiệu trưởng quan tâm và chỉ đạo sâu sát hoạt động chuyên môn, biết dựa vào đội ngũ giáo viên giỏi, biết tạo động lực cho đội ngũ thì nơi đó có nề nếp chuyên môn ổn định, hoạt động dạy và học có chất lượng tốt. Ngược lại ở một số trường, hiệu trưởng chưa quan tâm tạo điều kiện để giáo viên thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, hoặc điều hành công việc một cách quá nguyên tắc, chưa có sự đánh giá đúng mức trong thực hiện đổi mới phương pháp dạy học của giáo viên, khiến giáo viên căng thẳng và thường đặt mình trong tình trạng đối phó hơn là chủ động thực hiện. Do đó, để việc đổi mới phương pháp dạy học được thực hiện thường xuyên và trở thành “hơi thở” của trường học, người hiệu trưởng phải giúp giáo viên nhận thức một cách sâu sắc mục tiêu của việc đổi mới phương pháp giảng dạy, qua đó thực hiện một cách chủ động, có hiệu quả. 

Như vậy, áp lực và trách nhiệm đặt lên vai người hiệu trưởng không hề nhỏ. Đó là chưa kể mỗi khi xảy ra sự cố như đồng phục kém chất lượng, giáo viên mở lớp dạy thêm sai quy định, học sinh gây gổ, đánh nhau trong giờ học, tất cả đều quy trách nhiệm cho hiệu trưởng. Nói như tâm sự của một hiệu trưởng trường THCS: “Điều hành, quản lý cả tập thể mấy trăm con người không phải dễ, trong khi chúng tôi chỉ có duy nhất bằng tốt nghiệp sư phạm. Ngoài một số khóa bồi dưỡng năng lực quản lý do Sở GD-ĐT tổ chức, tôi phải tự bỏ tiền túi học thêm một khóa về kỹ năng quản lý, sưu tầm sách, báo về các tình huống sư phạm để có thêm kinh nghiệm quản lý, hạn chế tối đa sai sót”. Song, nhìn chung mặt bằng các giải thưởng hiện nay trong lĩnh vực giáo dục, chưa có nhiều giải thưởng, danh hiệu tôn vinh người hiệu trưởng. Do đó, mong ước chung của tất cả nhà giáo làm công tác quản lý là xã hội hãy có cái nhìn công bằng và thực tế hơn đối với người hiệu trưởng, giúp họ có thêm niềm tin và động lực cống hiến với nghề.

MINH QUÂN

Tin cùng chuyên mục