Vụ gian lận doanh số thu phí nhằm trốn thuế của Công ty Yên Khánh tại trạm thu phí đường cao tốc TPHCM - Trung Lương vừa được Bộ Công an phát hiện, một lần nữa nhắc nhở Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và các cơ quan liên quan khẩn trương hơn nữa trong việc áp dụng các biện pháp hữu hiệu để quản lý việc thu phí BOT trên các tuyến đường. Bởi lẽ, đây không chỉ là một trong những nguồn thu lớn cho ngân sách mà việc gian lận trong thu phí còn có khả năng gây ra theo nhiều hệ lụy như phải kéo dài thời gian thu phí, qua đó gây bất bình cho người phải trả phí và làm gia tăng chi phí vận tải cho hàng hóa… Khả năng phải kéo dài thời gian thu phí sẽ xảy ra do hợp đồng thu phí có điều khoản cho phép nhà đầu tư được đàm phán, tăng thêm thời gian thu phí nếu số lượng phương tiện giao thông qua trạm thấp hơn dự kiến.
Vì sao nói khẩn trương? Bởi thực ra, hầu hết những bất cập trong quản lý việc thu phí BOT đã được dư luận đề cập đến và Bộ GTVT cùng các cơ quan chức năng đã nắm rõ. Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo Bộ GTVT và các cơ quan liên quan phải chuyển từ hình thức thu phí như hiện nay (đa phần là thủ công với nhân viên kiểm soát vé) sang thu phí tự động không dừng, được quy định tại Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 ngày 21-10-2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg ngày 27-3-2017 và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 27-2-2018.
Cho đến thời điểm hiện nay, thông tin từ Bộ GTVT cho biết, hiện đã hoàn thành 26/28 trạm thu phí không dừng ở Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh. Ngoài ra, ở nhiều tỉnh, thành khác, trong phạm vi của mình cũng đã triển khai thu phí tự động không dừng ở 40 trạm thu phí trong tổng số 88 trạm.
Như vậy, so với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong Quyết định 07/2017 về việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng nêu trên, đã có sự trễ hẹn (đối với các tuyến quốc lộ và đường Hồ Chí Minh). Theo Quyết định 07/2017: “Từ năm 2019, triển khai đồng bộ thu giá dịch vụ không dừng đối với tất cả các tuyến quốc lộ được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT trên cả nước. Cụ thể, đối với các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên: chậm nhất đến ngày 31-12-2018 nhà đầu tư phải bàn giao toàn bộ các trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ đang vận hành cho nhà cung cấp dịch vụ thu giá để thực hiện việc thu giá theo hình thức điện tử tự động không dừng theo quy định. Việc quản lý, vận hành trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ đối với các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định phù hợp với điều kiện thực tế (các trạm do địa phương đầu tư - pv), nhưng chậm nhất đến ngày 31-12-2019 phải bàn giao toàn bộ việc quản lý, vận hành trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ cho nhà cung cấp dịch vụ thu giá để thực hiện thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng”.
Khách quan, có nhiều trở ngại trong việc triển khai thu phí tự động không dừng. Đơn cử, để có thể thu phí tự động, thẻ thu phí tự động phải được dán trên kính ô tô. Chủ xe sẽ phải nạp tiền vào tài khoản tại ngân hàng hoặc sử dụng các hình thức như Internet Banking, sử dụng thẻ cào để nộp tiền qua tin nhắn điện thoại... Theo nhiều chủ xe, thẻ thu phí tự động dán lên xe rất dễ bị mất cắp hoặc mỗi khi rửa xe còn có thể bị hỏng, tróc… mà mỗi lần dán lại, phải tốn tiền. Và còn việc sử dụng các dịch vụ ngân hàng hiện đại, nhiều tài xế không quen, nên họ không mặn mà. Đặc biệt, nhiều chủ đầu tư BOT cũng không “sốt sắng” với dịch vụ thu phí tự động không dừng do lo ngại tốn kém chi phí đầu tư trang thiết bị mới.
Thế nhưng, tất cả điều đó không thể là lý do để chậm trễ triển khai thu phí tự động không dừng. Hình thức thu phí được nhiều nhà chuyên môn đánh giá giải quyết được nhiều vấn đề: chống thất thu, minh bạch hóa việc thu phí, giúp xe lưu thông thông suốt (không phải dừng lại)... bởi dữ liệu từ việc thu phí tự động sẽ được chuyển trực tiếp đến các cơ quan có chức năng giám sát, giảm thiểu tình trạng gian lận.
Quốc hội, Chính phủ đã có chỉ đạo, nghĩa là hành lang pháp lý đã có; dư luận ủng hộ nghĩa là về “tình” đã ổn… Do vậy, không thể chấp nhận việc Bộ GTVT và các cơ quan liên quan không trám ngay “lỗ thủng” về thu phí giao thông.