Bất chấp tình hình kinh tế trong nước và thế giới đang gặp nhiều khó khăn, 9 tháng đầu năm nay nước ta lại bất ngờ “tiếp đón” được một lượng khổng lồ vốn đầu tư nước ngoài (FDI): hơn 57,1 tỷ USD! Số vốn được giải ngân cũng bằng cả năm 2007 là 8,1 tỷ USD, tăng 37,3% so với cùng kỳ năm ngoái! Đây quả thật là những con số mơ ước đối với nền kinh tế VN.
Quan trọng hơn, điều này còn chứng tỏ VN đã nhận được sự tin tưởng của các nhà đầu tư quốc tế về cơ hội kinh doanh hấp dẫn dài hạn ở nước ta. Tuy nhiên, tốc độ hấp thu nguồn vốn trên chưa được như kỳ vọng do nhiều “chướng ngại vật”. Dễ thấy và cũng là “lực cản” lớn nhất là lực lượng nhân lực. Khiếm khuyết cơ bản nhất của nhân lực nước ta vẫn là kinh nghiệm, phong cách làm việc “ao làng”.
Cuối tháng 9-2008, Sở Thông tin - Truyền thông TPHCM cho biết, giai đoạn 2001-2007, TPHCM đã đào tạo được 200.000 lao động công nghệ thông tin (IT) nhưng chỉ sử dụng được 10% số này! Còn theo khảo sát của Viện Chiến lược IT đối với sinh viên IT mới ra trường thì 72% không có kinh nghiệm thực hành, 42% thiếu kỹ năng làm việc nhóm, 100% không biết bản thân có thể làm tốt nhất mảng việc nào và 77,2% doanh nghiệp phải đào tạo lại nhân viên mới trong ít nhất ba tháng! Chính vì vậy, khả năng thu hút các hợp đồng gia công phần mềm từ các nước phát triển như Mỹ, châu Âu của ngành IT VN đang bị giảm sút so với nhiều quốc gia mạnh về IT khác như Ấn Độ, Trung Quốc.
Không những âu lo về tiến độ hấp thụ vốn FDI, nhiều chuyên gia kinh tế còn cảnh báo những nguy cơ lớn khi cơ cấu FDI có nhiều bất ổn. Vốn FDI trong 9 tháng đầu năm tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp và xây dựng (32,3 tỷ USD, chiếm 54,68% về số dự án và 57,48% vốn đăng ký đầu tư); tỷ trọng FDI vào bất động sản tăng cao cũng gây nhiều lo ngại.
Điều đáng lưu tâm ở đây là những khu vực đầu tư trên hầu như chỉ là các ngành công nghiệp truyền thống như luyện gang thép, khai khoáng, thường gây ô nhiễm môi trường và hàm lượng công nghệ thấp. Cùng với xây dựng, bất động sản, mảng đầu tư này không tạo ra được những nền tảng cơ bản cũng như giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cho nền kinh tế nước ta.
Thực trạng FDI của nước ta hiện nay tiềm tàng dấu hiệu phát triển nóng mà một số nước đã mắc phải. Không những vậy, đây còn là kiểu phát triển “lạc điệu” so với xu thế ngày nay. Đầu tư kinh tế hiện nay đã không còn được đánh giá theo quy mô tài chính mà theo những giá trị vô hình như mức độ phát triển bền vững, hàm lượng chất xám của dự án; thương hiệu, uy tín của nhà đầu tư và chất lượng nguồn nhân lực tạo ra.
Vì vậy, khuyến cáo VN nên dũng cảm từ bỏ chính sách mở cửa đón FDI theo những con số định lượng của các chuyên gia kinh tế là điều luôn mang tính thời sự. Thiết lập một “bộ lọc” để “mời vào” được những dự án FDI giúp nâng tầm vóc và tạo lập giá trị vững bền của đất nước trên trường quốc tế là chuyện cấp thiết hơn bao giờ hết.
Thái Hoàng Liêm