Đã thành thông lệ, cứ đầu mỗi nhiệm kỳ công tác, các tân nguyên thủ quốc gia đều chọn trường học là điểm đến đầu tiên trong tiến trình điều hành sự phát triển đi lên của đất nước. Và ở mỗi giảng đường, trước sự háo hức chờ đón của những người chủ tương lai, họ – những đại biểu ưu tú nhất của nhân dân – đều long trọng nhắc lại câu nói nổi tiếng “hiền tài là nguyên khí quốc gia” mà cha ông chúng ta từng răn dạy. Điều này cho thấy thời nào cũng vậy, vấn đề tìm kiếm, bồi dưỡng và giữ chân hiền tài có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự sống còn của dân tộc.
Dĩ nhiên, người có tài, có tâm cần một “tầm” quan tâm và đãi ngộ đặc biệt. Trước đây, trong khói lửa của cuộc kháng chiến chống Mỹ, dù điều kiện sống vô cùng khó khăn, đích thân cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã lệnh bằng mọi giá phải xây dựng bằng được một viện toán học tầm cỡ, tương xứng với trí tuệ Việt Nam vốn có bề dày lịch sử hàng ngàn năm. Chính từ sự quyết tâm này, chúng ta đã tạo ra cả một trường phái toán học có tiếng là đạt trình độ nhất, nhì châu Á. Và phải chăng chiến thắng của dân tộc bắt nguồn từ những phương trình được viết vội vàng giữa 2 đợt dội bom của kẻ thù?
Nói đúng hơn, chiến thắng có được phần nào nhờ sự trân trọng và sử dụng đúng chỗ những hiền tài trong những thời khắc quyết định của lịch sử. Tất nhiên mọi so sánh đều khập khiễng, nhưng vẫn phải nhắc lại chuyện “xưa” để thấy rằng “nay” chúng ta vẫn còn có quá nhiều tồn đọng trong cách tiếp cận vấn đề đào tạo và sử dụng nhân tài.
Trước tiên, đầu vào là những khối ngọc nguyên chất vẫn ở dạng thô ráp, chưa được mài giũa thành sản phẩm có “giá trị gia tăng” bởi tình trạng thiếu hụt trầm trọng người gia công - người thầy có chuyên môn giỏi. Đơn cử như ở bậc phổ thông, đợt khảo sát mới đây của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong cho thấy trường chuyên này đang hụt hẫng vì … khó kiếm ra thầy chuyên có đủ tố chất dạy lớp chuyên. Đây đúng là nỗi khổ tâm nhất khi không thể mời chào những giáo viên trẻ có tài, có nhiệt huyết, sáng tạo thay thế thế hệ các thầy cô đến tuổi nghỉ hưu. Nguyên nhân có nhiều, từ cơ chế, chính sách, chế độ đãi ngộ đến cuộc sống mưu sinh chộn rộn… nhưng rõ ràng khiếm khuyết cơ bản là sự thiếu quan tâm sâu sắc từ phía các nhà quản lý các cấp. Và không thể hiểu được tại sao một thành phố có nguồn thu ngân sách chiếm 1/3 cả nước cộng thêm khá nhiều “đất vàng”, “đất bạc” như TPHCM lại không thể chu cấp 100% học phí cho số nhân tài ít ỏi đang theo học các lớp chuyên?
Cứ như thế, càng lên cấp học cao, vấn đề càng trở nên rối rắm và càng tù mù hơn. Điển hình là chuyện giữ giảng viên của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội bằng biện pháp “ký quỹ 1.000 USD” khi tu nghiệp nâng cao trình độ ở nước ngoài, đã gây ra tranh luận dữ dội trong giới học thuật. Nhiều người cho rằng có “đặt cược” gấp nhiều lần vậy, thầy vẫn cứ rũ áo ra đi vì đơn giản… tiền không phải là vấn đề “đầu tiên” với người có tài, có chuyên môn vững. Đây cũng là vấn đề chung của các nước đang phát triển như Trung Quốc trước đây cũng có tới 50% số du học sinh và nghiên cứu sinh được cử đi học bằng tiền ngân sách đã không về nước hoặc có về cũng bỏ nhiệm sở đi làm nơi khác. Sau này, Trung Quốc đã thực thi một chính sách trọng đãi nhân tài thiết thực là nhập nguyên cả phòng thí nghiệm hiện đại nhất cho thầy có đất dụng võ, đồng thời trả lương thầy tới cỡ 100.000 USD/năm, ngang bằng với mức thu nhập tại các nước phát triển nhất.
Tất nhiên, chúng ta không thể đủ tài lực như vậy để “giữ người” nhưng dù sao cũng phải tạo thu nhập khả dĩ cho thầy giỏi sống được bằng nghề. Trong thực tế, với sự tự chủ, tự chịu trách nhiệm mà Bộ GD-ĐT đang cố thực thi, nhiều trường ĐH đã bắt đầu trả lương tháng cho các giáo sư đầu ngành ở mức 1.000 - 1.500 USD. Song “quyết định” hơn cả vẫn là tạo môi trường làm việc, tạo sự trân trọng thực sự với người tài. Và phải nói rằng cái thiếu và yếu nhất mà chúng ta đang phải đối mặt là sự cầu thị, thái độ ứng xử không đúng mực với người giỏi. Vì “con gà ghét nhau tiếng gáy” hay vì cái thói “giỏi thì ghét, nghèo thì khinh” vẫn ngự trị trong xã hội?
Rõ ràng, đã đến lúc chúng ta phải nhìn nhận hiền tài ở một góc độ khác, không phải là cách hô khẩu hiệu “trải thảm đỏ” chung chung mà đi vào sự thể hiện cụ thể như tiền lương, sự bổ nhiệm đúng vị trí, đúng sở trường… và nói chung như cha ông ta nói “có tài, có tật” nên bỏ qua những khía cạnh “khác người” của hiền tài để họ có thể toàn tâm, toàn sức phụng sự đất nước.
Bích An