Dubai nằm ở một trong những khu vực khô cằn nhất trên thế giới. Dân số ngày càng đông làm tăng nhu cầu về nước và thúc đẩy phát triển các công nghệ mới, giúp tạo ra nguồn nước cho thành phố. Một trong những loại công nghệ độc đáo nhất đang được phát triển là kỹ thuật gây mưa nhân tạo bằng cách gieo hạt trên đám mây.
Người dự báo phải chọn đúng đám mây để gieo hạt. Quá trình này sẽ chỉ hoạt động trên các đám mây vũ tích - loại mây dày đặc phát triển theo phương thẳng đứng rất cao liên quan đến dông và sự bất thường khí quyển, hình thành hơi nước mang các dòng khí mạnh từ dưới mặt đất lên. Phi công sẽ định vị máy bay của họ ở dưới đám mây và đốt pháo sáng chứa các hạt muối hút ẩm. Khi các hạt natri clorua và kali clorua bay lên trong phần thân của đám mây, chúng sẽ thu hút các giọt nước nhỏ. Những giọt nước này kết hợp với nhau và tăng kích thước, do trọng lượng lớn lên nên chúng rơi từ trên trời xuống. Ở những vùng có lượng mưa ít mỗi năm, đây là nguồn nước quý giá và chỉ cần sử dụng một ít năng lượng để “tạo ra mưa” như thế này. Một giờ gieo hạt đám mây có thể mang lại 100.000m3 nước.
Hiện có hơn 50 quốc gia khắp thế giới đang tiến hành kỹ thuật gieo hạt trên nền tảng đám mây. Quá trình này không chỉ được sử dụng để tăng lượng mưa mà nó còn được sử dụng để giảm kích thước của các hạt mưa đá ở các vùng lạnh hơn. Việc ngăn chặn mưa đá có thể giảm thiểu đáng kể những thiệt hại do dông bão gây ra. Sau nhiều năm nghiên cứu và phát triển công nghệ, lần đầu tiên Trung tâm Khí tượng quốc gia của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã có thể tạo ra mưa nhân tạo mà không cần hóa chất. Để làm được điều này, họ đã sử dụng một đội máy bay không người lái phóng điện vào các đám mây, tạo ra mưa. Chương trình của UAE có 6 máy bay với 1,5 triệu USD tài chính. Một số nước châu Âu và châu Á vẫn cố gắng điều chỉnh thời tiết làm mưa nhân tạo bằng hóa chất. Trung Quốc đã tuyên bố sẽ tăng cường gieo hạt trên nền tảng đám mây. Các nước châu Á cũng tuyên bố sẽ tăng lượng đám mây gieo hạt lên 5,5 triệu km2, chỉ trong trường hợp Trung Quốc sẽ tiếp tục thử nghiệm hóa chất.
Tuy nhiên, việc làm mưa nhân tạo đang khiến giới khoa học lo ngại, cho rằng điều này có thể gây ra những ảnh hưởng khó lường đến môi trường. Mặt khác, các hóa chất được sử dụng trong quá trình này sẽ rơi xuống bề mặt và hòa tan trong lượng mưa mà nó tạo ra, có khả năng làm thay đổi đa dạng sinh học của khu vực. Ví dụ như ở UAE, trong năm 2019, UAE đã thực hiện ít nhất 185 hoạt động gieo hạt trên đám mây. Năm 2021, Trung tâm Khí tượng quốc gia UAE thực hiện 126 chuyến bay gieo hạt trên mây tạo mưa nhân tạo.
Tuy nhiên sau đó mưa lớn và lũ lụt làm tắc nghẽn giao thông trên đường phố. Ở Mỹ, hoạt động này đã bị cấm ở các bang như Pennsylvania, trong khi ở các vùng khác của đất nước, nó được sử dụng phổ biến trong các đợt hạn hán. Các nhà khoa học cũng lo ngại rằng sáng kiến này cũng gây ảnh hưởng đến các vùng lãnh thổ lân cận và việc cố gắng thao túng thời tiết, điều khiển lượng mưa không phải là giải pháp tốt cho vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu.