
Ngày 27-3, Quốc hội (QH) tiến hành thảo luận tại hội trường về báo cáo công tác cả nhiệm kỳ 2002- 2007 của Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao. Bên cạnh việc ghi nhận những thành tích, những cố gắng của các cơ quan tư pháp, nhiều đại biểu (ĐB) đã đề cập đến những vướng mắc tồn tại của hoạt động tư pháp nói chung và hoạt động của hai ngành tòa án, kiểm sát nói riêng.
- Không chỉ đạo điều tra: cơ quan công tố sẽ lúng túng khi tranh tụng (!?)

ĐBQH Nguyễn Đình Lộc (TPHCM): “Sự không đồng bộ giữa công tố và điều tra ảnh hưởng trực tiếp hoạt động tranh tụng trước phiên tòa”. Ảnh: NHAN SÁNG - TTXVN
“Ngày hôm qua, tôi nhận được nhiều điện thoại hỏi thăm địa chỉ của đồng chí Nguyễn Đình Lộc, bởi vì đồng chí Lộc có nhiều phát biểu liên quan đến chuyện xử án cho công bằng. Điều này cho thấy đây là vấn đề nhân dân rất quan tâm” - ĐB Nguyễn Lân Dũng (Đắc Nông) dẫn dắt. Nhiều ĐB cho rằng, nhiều nội dung về cải cách tư pháp chưa được đề cập một cách thỏa đáng, chẳng hạn như vấn đề tranh tụng tại tòa.
ĐB Nguyễn Đình Lộc (TPHCM) cho rằng, sự không đồng bộ giữa công tố và điều tra cũng ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động tranh tụng trước phiên tòa. Cùng quan điểm này, ĐB Trần Thế Vượng (Hải Dương) lập luận: “Nếu chỉ đọc bản kết luận điều tra thì ra tòa rất khó tranh luận được với luật sư, với bị can, bị cáo khi người ta nêu những vấn đề ngược lại cáo trạng”. Chính điều này làm ảnh hưởng tới chất lượng tranh tụng tại phiên tòa và khiến cho việc xét xử ở tòa án diễn ra theo kiểu nửa tranh tụng, và vẫn còn nửa án “bỏ túi”.
ĐB Hoàng Văn Minh (Nghệ An) nhấn mạnh: Tranh tụng là bước đột phá rất quan trọng để đảm bảo cho việc xét xử tốt hơn các vụ án của tòa án, làm cho nền tư pháp thực sự dân chủ, công khai và minh bạch. Vì vậy, cần có đánh giá toàn diện về vấn đề này, nhất là các hoạt động kiểm sát thực hành quyền công tố và vai trò của kiểm sát viên trong việc thực hiện quyền công tố tại phiên tòa. “Nói là tranh tụng, nhưng nếu cơ quan công tố không trực tiếp chỉ đạo điều tra thì công tố tranh tụng trước tòa sẽ rất lúng túng” - ĐB Nguyễn Đình Lộc gợi mở hướng nghiên cứu.
- Cơ quan xét xử “cao nhất” phải... “đúng nhất”
Ủy ban Đối ngoại: Góp phần quan trọng tạo nên một trong bốn thành tựu nổi bật của Quốc hội Phát biểu tại Hội nghị tổng kết nhiệm kỳ khóa XI của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, tối 27-3 tại Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt biểu dương những kết quả công tác mà Ủy ban Đối ngoại đã đạt được, góp phần quan trọng tạo nên một trong bốn thành tựu nổi bật của Quốc hội khóa XI. Chủ tịch lưu ý Ủy ban Đối ngoại cần phát huy vai trò, chức năng của một cơ quan chuyên trách về công tác đối ngoại của QH, có nhiều đề xuất, sáng kiến nhằm tăng cường hơn nữa hoạt động ngoại giao nghị viện cả trên phương diện song phương và đa phương; làm tốt công tác nghiên cứu, dự báo tình hình quốc tế và quan hệ quốc tế.... |
Nếu ĐB Nguyễn Lân Dũng là người mở đầu cho những tranh luận về việc xem xét trả lời đơn thư khiếu nại của người dân chỉ dựa trên hồ sơ (bị tố cáo là chưa đúng) để đưa ra những kết luận chưa chuẩn xác dẫn tới những vụ hàm oan, khiếu kiện kéo dài; thì sau đó rất nhiều ĐBQH đưa ra dẫn chứng cụ thể về những vụ xét xử theo hồ sơ khiến người dân mất niềm tin.
ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) cho biết, khi ông chuyển đơn thư khiếu nại của dân cho Viện KSND tối cao, TAND tối cao thì các cơ quan này trả lời rất nhanh là “sẽ xem xét”. “Nhưng từ đó đến nay, tôi chưa nhận được một công văn nào của tòa án nói rằng khiếu nại này hợp lý, đã xử lại giám đốc thẩm hoặc tái thẩm”. Điều này cũng có nghĩa là tòa án vẫn xem xét giải quyết khiếu nại trên hồ sơ, trong khi người dân đã khiếu nại là hồ sơ đó không đúng. ĐB Nguyễn Đình Xuân khẳng định, QH không thể làm thay tòa án. Nhưng cần phải lưu ý rằng, hiện nay đạo đức, phẩm chất của một bộ phận các cán bộ làm công tác xét xử “có vấn đề”; có vụ quan tòa bị tố cáo nhận hối lộ để xét xử... “Chúng ta phải quản lý cán bộ nghiêm hơn, và cùng một tội thì người dân thường hoặc cán bộ thì có thể xử nhẹ hơn, còn nếu quan tòa mắc tội đó thì phải xử nặng hơn, nghiêm khắc hơn” – ĐB Xuân đề nghị.
Cùng quan điểm đó, ĐB Nguyễn Thị Hoài Thu (Tiền Giang) nhấn mạnh: TAND tối cao là cơ quan xét xử cao nhất. “Nhưng cái mà người dân trông đợi là nếu “cao nhất” thì phải “đúng nhất”. Nếu “cao nhất” mà không đúng thì làm sao tâm phục, khẩu phục?” - bà Thu nói.
BẢO MINH - VĨNH XUÂN
Không thể đặc xá tràn lan “Dự luật chưa làm rõ nguyên tắc, tính đặc thù của hoạt động đặc xá” - đó là nhận xét chung của Ủy ban Pháp luật của QH và nhiều ĐBQH khi thảo luận dự án Luật Đặc xá chiều 27-3. Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Bắc, dự luật chưa phân biệt rõ chế định đặc xá với chế định đại xá, ân giảm hình phạt tử hình, giảm thời hạn án phạt tù, miễn chấp hành án phạt tù. |