Được phát động từ tháng 5-2019, cuộc thi đã thu hút số lượng lớn cán bộ, nhà giáo, học sinh, sinh viên tham gia. Ban tổ chức đã nhận được gần 10.000 bài dự thi các cá nhân, đơn vị ở 63 tỉnh, thành trên cả nước. Chất lượng bài dự thi khá tốt, nội dung phong phú và có chiều sâu. Nhiều bài viết đã để lại những xúc cảm sâu sắc cho người đọc bởi những tấm gương tâm huyết, sáng tạo luôn hết lòng vì học trò, vì sự nghiệp giáo dục của các nhà giáo; có cả những tấm gương của những học sinh nhỏ tuổi qua góc nhìn của thầy cô.
Cuộc thi thực sự là nơi phát hiện thêm nhiều gương điển hình, nhiều mô hình mới, cách làm hay, hiệu quả trên các lĩnh vực của đời sống xã hội để tiếp tục tuyên truyền, nhân rộng, tạo hiệu ứng lan tỏa điều tốt đẹp trong xã hội.
Nội dung tác phẩm dự thi không chỉ là tấm gương thầy giáo, cô giáo mà đó còn là sự cảm động, cảm phục của giáo viên đối với học trò của mình…Có những tác phẩm được tác giả dồn cả tâm huyết, tình cảm và sự biết ơn để gửi tới thầy cô giáo với những hoài niệm đẹp đẽ về mái trường mến yêu. Có rất nhiều tình huống đời thực đã được tác giả thuật lại trong tác phẩm dự thi bằng những từ ngữ dung dị nhưng lại chan chứa cảm xúc. Đó là những việc làm, tấm lòng của thầy cô giúp thay đổi suy nghĩ, hướng thiện cho học trò thân yêu, hoặc những cảm nhận, cảm phục của thầy cô với học trò.
Ông Doãn Hồng Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên (Bộ Giáo dục - Đào tạo) nhấn mạnh, đây không đơn thuần là một cuộc thi, hoạt động này đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị có ý nghĩa thiết thực trong toàn ngành giáo dục, là dịp để nâng cao nhận thức, tạo chuyển biến tích cực về tư tưởng, đạo đức, lối sống, văn hóa, phong cách, tác phong làm việc đối với đông đảo giáo viên, học sinh, sinh viên trên mọi miền đất nước.
Tiêu biểu như hình tượng thầy giáo Nguyễn Hữu Nhân trong tác phẩm “Học Sử qua bài hát và những chuyến đi” của nhà giáo Lê Trầm Phương Thanh, công tác tại Trường THCS Võ Thị Sáu, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Thầy Nhân đã truyền đạt những nội dung của môn học Lịch sử thông qua tích hợp âm nhạc trong tiết dạy, giúp cho học trò yêu thích môn Lịch sử - vốn được coi là khô khan, khó nhớ. Thầy giáo Nguyễn Hữu Nhân đã tự trang bị máy tính, bộ loa, dây điện để mang đến lớp giảng dạy, nhằm tăng sự hứng thú học Lịch sử cho học sinh…
Ban giám khảo cuộc thi đã chọn được 75 bài vào vòng Chấm chung khảo. Kết quả cuộc thi gồm 1 giải Nhất; 2 giải Nhì; 3 giải Ba; 5 giải Khuyến khích; 1 nhân vật tiêu biểu trong tác phẩm đoạt giải; 2 giải cho Tập thể có số lượng bài dự thi đông và đạt chất lượng tốt. Cụ thể giải tập thể thuộc về Sở Giáo dục và Đào tạo Lạng Sơn; Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Tháp.
Giải nhất cá nhân được trao cho tác giả Lê Trầm Phương Thanh, giáo viên Trường THCS Võ Thị Sáu, TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp với tác phẩm “Học sử qua bài hát và những chuyến đi”.
2 giải Nhì trao cho tác giả Trần Lệ Nguyễn Lam Phương, giáo viên Trường THPT Ngô Gia Tự, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk với tác phẩm: Cô Ngọc "cười" ở mái Trường THPT Ngô Gia Tự, Đắk Lắk; tác giả Nguyễn Thị Lệ, giáo viên Trường THPT Hòa Bình, xã Hòa Bình, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn với tác phẩm “Bông hoa đẹp giữa đời thường”.
Nhân vật tiêu biểu trong tác phẩm đoạt giải là cô giáo Nguyễn Thị Ánh Ngọc, nhân vật trong tác phẩm “Cô Ngọc cười ở mái Trường THPT Ngô Gia Tự, Đắk Lắk” của tác giả Trần Lệ Nguyễn Lam Phương.
Nhân dịp này, Ban tổ chức phát động cuộc thi viết lần thứ IV, năm học 2020-2021. Thời gian nhận bài từ ngày 18-9-2020 đến hết ngày 28-2-2021.