Ngày 18-2, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ và Hội đồng Giải thưởng cấp nhà nước đã tổ chức lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ cho 32 công trình. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tới dự.
12 công trình và cụm công trình nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh
Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ là những phần thưởng cao quý nhất trong lĩnh vực khoa học và công nghệ được tổ chức 5 năm/lần nhằm ghi nhận, tôn vinh và trao tặng cho các nhà khoa học, tác giả công trình khoa học công nghệ xuất sắc, có giá trị cao về cuộc sống. Năm nay, 32 công trình, cụm công trình (trong tổng số 67 công trình có hồ sơ xét thưởng hợp lệ) thuộc 5 lĩnh vực: Khoa học xã hội và nhân văn, Khoa học tự nhiên, Khoa học kỹ thuật, Khoa học nông nghiệp, Khoa học Y Dược được nhận giải thưởng.
Trong đó 12 Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ được trao cho 3 công trình và 9 cụm công trình đặc biệt xuất sắc, có giá trị cao về khoa học và công nghệ đã được công bố, sử dụng kể từ năm 1945. 20 Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ đã được trao tại buổi lễ.
Các tác giả có công trình, cụm công trình được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh hoặc Giải thưởng Nhà nước về KHCN sẽ được nhận Giấy chứng nhận Giải thưởng của Chủ tịch nước, kèm theo tiền thưởng 200 triệu đồng/giải đối với Giải thưởng Hồ Chí Minh và 120 triệu đồng/giải với Giải thưởng Nhà nước.
Phát huy trí tuệ, bản lĩnh người Việt Nam
Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng cấp Nhà nước về khoa học công nghệ năm 2010 - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân khẳng định, năm nay, nhiều công trình được trao giải thật sự có giá trị cao về khoa học - công nghệ và hiệu quả kinh tế xã hội. Tiêu biểu như công trình: “Ứng dụng 5 giải pháp khoa học công nghệ để chế tạo các loại thiết bị nâng hạ tại Việt Nam” giúp rút ngắn tiến độ xây dựng Nhà máy Thủy điện Sơn La của ông Nguyễn Tăng Cường (Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung). Công trình “Tìm kiếm, phát hiện và khai thác hiệu quả các thân dầu trong đá móng granitoit trước Đệ Tam bể Cửu Long, thềm lục địa Việt Nam” của tập thể 49 người thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, trong số này có 3 nhà khoa học Liên bang Nga.
Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chúc mừng những tác giả của 32 công trình đoạt giải thưởng. Phát biểu tại đây, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và khoa học công nghệ là 1 trong 3 mũi đột phá để phát triển đất nước. Những kết quả từ quá trình làm việc kiên trì, cần mẫn, say mê, sáng tạo vượt qua biết bao khó khăn của các nhà khoa học góp phần đưa khoa học công nghệ thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế xã hội, chắc chắn cũng sẽ góp phần xứng đáng để thực hiện 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược mà Đại hội Đảng XI đã xác định.
Chủ tịch nước tin tưởng, kế thừa truyền thống rất đáng tự hào mà cha anh đã xây dựng nên, thế hệ cán bộ khoa học công nghệ hôm nay, đặc biệt là những cán bộ trẻ sẽ học tập, phát huy trí tuệ, bản lĩnh của mình vươn tới trình độ khoa học công nghệ tiên tiến của khu vực và thế giới, để tiếp tục đóng góp to lớn hơn nữa cho công cuộc công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, để đưa nước ta có thể sánh vai với các nước như mong muốn của Bác Hồ kính yêu.
Để ghi nhận những đóng góp to lớn của các nhà khoa học nước ngoài vào những công trình đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước đã ký quyết định trao tặng bằng khen cho 3 nhà khoa học là đồng tác giả của cụm công trình “Tìm kiếm, phát hiện và khai thác có hiệu quả các thân dầu trong đá móng granitoit trước Đệ Tam bể Cửu Long, thềm lục địa Việt Nam” là các tác giả: TS Ivanov A.N, TS Aresev E.G, TSKH Boiko V.I.
| |
Phan Thảo