Trao giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật năm 2010

(SGGPO).-Sáng nay, 29-11, tại Văn miếu Quốc Tử Giám, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Quỹ giải thưởng Phạm Thận Duật đã tổ chức kỷ niệm 185 năm ngày sinh, 125 năm ngày mất của danh nhân Phạm Thận Duật và trao giải thưởng sử học Phạm Thận Duật lần thứ 11.

(SGGPO).-Sáng nay, 29-11, tại Văn miếu Quốc Tử Giám, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Quỹ giải thưởng Phạm Thận Duật đã tổ chức kỷ niệm 185 năm ngày sinh, 125 năm ngày mất của danh nhân Phạm Thận Duật và trao giải thưởng sử học Phạm Thận Duật lần thứ 11.

Quỹ giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật được thành lập năm 2000 cùng với sự ra đời của giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật. Giải thưởng do Hội Khoa học lịch sử Việt Nam phối hợp xét duyệt, được trao đúng vào ngày 29-11 hàng năm, nhân kỷ niệm ngày mất của danh nhân Phạm Thận Duật.

Được nhận giải thưởng Phạm Thận Duật là tác giả của những luận án đã được các Hội đồng chấm luận án tiến sĩ sử học cấp Nhà nước chấm đạt điểm xuất sắc 6/7 và 7/7. Từ năm 2000 đến nay, đã có 11 lần xét trao giải thưởng với 55 cá nhân được vinh dự nhận giải này. Năm 2010 này, Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật đã lựa chọn được 6 giải thưởng với 1 giải nhất, 3 giải nhì và 2 giải ba với trị giá giải thưởng lần lượt là 15 triệu, 10 triệu và 7 triệu đồng mỗi giải.

Cũng tại buổi lễ, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã trao Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Sử học cho ông Phạm Đình Nhân, cháu 5 đời của danh nhân Phạm Thận Duật, đồng thời là Chủ tịch Quỹ giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật.

 

Phạm Thận Duật (1825-1885), hiệu Vọng Sơn, tên chữ là Quan Thành, sinh ra trong một gia đình trí thức nho học nghèo ở Yên Mô Thượng, xã Yên Mạc, huyện Yên Mô, Ninh Bình. Năm 1850, ông thi đỗ cử nhân ở trường Nam và năm 1851 ra làm quan dưới triều Nguyễn thời Tự Đức.

Phạm Thận Duật là vị quan yêu nước. Năm 1885, ông cùng các cộng sự phò vua Hàm Nghi xuất bôn, hạ chiếu Cần Vương. Trên đường ra Bắc chiêu tập nghĩa sĩ Cần Vương chống Pháp, ông bị Pháp bắt, xử tội tham gia chống Pháp, đày đi biệt xứ tới đảo Tahiti và ông đã qua đời tại đây. Về sử học và giáo dục, ông là người kiểm duyệt lần cuối bộ Quốc sử Khâm định Việt sử thông giám cương mục, giữ chức vụ Phó tổng tài Quốc sử quán kiêm quản Quốc tử giám. Ông đã từng là thầy dạy học cho hai hoàng thân là vua Dục Đức và Đồng Khánh sau này...

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục