Từ đầu năm 2015 đến nay, liên tục xảy ra nhiều vụ bất an đối với học sinh. Mới qua các tin báo chí đăng tải (chưa thể đầy đủ so với thực tế), chỉ 70 ngày qua, tại các địa phương đã có đến hơn 20 học sinh bị chết đuối. Lại thêm những thông tin về các vụ hành xử bạo lực trong nhà trường, thậm chí có vụ học trò đi học rồi mất tích hay bị tai nạn tử vong, khiến dư luận thực sự lo ngại.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những chuyện đau lòng đó: sự chủ quan, dại dột, nông nổi của trẻ; trong khi đó, gia đình và nhà trường đã lơi lỏng giám sát, nhắc nhở trẻ, và quan trọng nhất là thiếu quan tâm trang bị kỹ năng tự bảo vệ an toàn cho trẻ. Điều đó thể hiện qua việc trẻ không biết bơi nhưng vẫn liều tắm sông ở nơi nguy hiểm; trẻ bị bạn học đánh đập dã man trong lớp, nhưng không dám báo cho cha mẹ và thầy cô; trẻ dễ dàng bị kẻ xấu dụ dỗ bỏ học, trốn nhà đi…
Trong khi số vụ tử vong do chết đuối ở nước ta quá lớn, chỉ thấp hơn số vụ tử vong do tai nạn giao thông, nhưng việc dạy bơi cho trẻ vẫn bị xem nhẹ. Từ 3 năm nay Bộ GD-ĐT đã có công văn yêu cầu các trường phổ cập bơi lội cho học sinh. Nhưng đến nay chỉ có một số trường tiểu học ở thành phố lớn triển khai (chủ yếu là các trường quốc tế và hệ dân lập), nhưng cũng chỉ dạy cầm chừng rồi thôi, chưa đủ để học sinh có thể bơi rành. Lý do mà các trường đưa ra gần như giống nhau: vì thiếu giáo viên, thiếu kinh phí duy trì, không có mặt bằng và kinh phí để xây hồ bơi… Nhưng có một lý do bị cố tình lờ đi - đó là vì thiếu trách nhiệm. Đâu phải chỉ khi trường có hồ bơi thì mới có thể tổ chức dạy bơi cho học sinh.
Nhà trường có thể liên hệ thuê hồ bơi và huấn luyện viên để học sinh đến học bơi, hẳn phụ huynh cũng sẵn sàng đóng góp kinh phí cho việc này, nhưng nhà trường ngại mất công lo, trong khi không thực hiện phổ cập bơi lội cũng chẳng sao. Tại TPHCM, có trường nằm ngay bên cạnh một hồ bơi hiện đại, nhưng nhà trường cũng không tổ chức cho học sinh học bơi, mà thay bằng… học võ, cho an toàn.
Về nạn hành xử bạo lực trong nhà trường, đã có những video clip phát tán trên mạng ghi lại các vụ học sinh đánh đập bạn học tàn nhẫn, và mới đây là video clip về vụ nữ sinh lớp 7 ở Trường THCS Lý Tự Trọng (Trà Vinh) bị 7 bạn học đánh hội đồng ngay trong lớp vì không “tuân lệnh” lớp trưởng. Hẳn ai xem video clip này cũng phải thảng thốt, đau lòng. Hiệu trưởng và giáo viên trường này đều tỏ ra kinh ngạc, không hiểu được sao những học trò nhỏ của mình lại hành xử kiểu “đại bàng”, “xã hội đen” đến vậy, song thực tế chắc chắn cách hành xử đó phát sinh từ việc giáo viên chủ nhiệm trao quyền lực cho lớp trưởng để thiết lập một trật tự trong lớp theo kiểu trấn áp.
Còn nhớ, mới cách nay vài tháng, Sở GD-ĐT TP Hà Nội công bố kết quả khảo sát rộng rãi về thực trạng bạo lực trong trường học, với số liệu khiến mọi người phải sửng sốt: 38% học sinh ở các trường THCS và 20,6% học sinh ở các trường THPT được hỏi cho biết bị bạo lực thân thể. Thế nhưng, chỉ những học sinh nam mới báo cho bố mẹ, thầy cô về việc mình bị bạo lực, hầu hết học sinh nữ chọn cách im lặng.
Thực trạng đáng lo ngại như vậy đang đòi hỏi ngành GD-ĐT, Đoàn TNCS, Hội Liên hiệp Phụ nữ khẩn trương đưa ra được các biện pháp giải quyết một cách hệ thống, khoa học trên quy mô lớn đối với vấn đề bạo lực trong trường học. Có ý kiến biện hộ, đổ lỗi cho mặt trái của kinh tế thị trường, nhưng thực ra ở các nước phát triển kinh tế thị trường cũng rất xa lạ với việc hành xử bạo lực ở học đường.
Ngẫm ra, để xảy ra những vụ bất an cho học sinh như vậy, chính là lỗi của người lớn - lỗi ở cách giáo dục của gia đình, lỗi ở cách tổ chức học đường và chương trình giáo dục của ngành giáo dục. Trường học phải thực sự là nơi an toàn, thân thiện và bình đẳng, có như vậy mới đem đến những điều kiện tốt nhất để học sinh được học tập, rèn luyện nhân cách, hướng đến việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Trẻ em chưa đủ năng lực tự bảo vệ an toàn và chưa đủ ý thức để có thể miễn nhiễm cái xấu. Khi trẻ đến trường, gia đình không thể kiểm soát, mà nhà trường cũng lơ là kiểm soát, thì rất dễ đẩy trẻ vào cảnh “tự bơi mà không có ai dạy bơi”, sẽ khó tránh được hiểm họa.
Ngành GD-ĐT đang nỗ lực cải cách, trong đó, việc quan trọng cần làm ngay là cải cách tổ chức học đường và chương trình giáo dục theo hướng giáo dục đào tạo những con người không chỉ có kiến thức mà còn phải có kỹ năng sống để vào đời vững vàng, lành mạnh về cả tinh thần lẫn thể chất. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI xác định nhiệm vụ: “Nâng cao thể lực, tầm vóc con người Việt Nam, gắn giáo dục thể chất với giáo dục tri thức, đạo đức, kỹ năng sống, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” - nhiệm vụ này đòi hỏi rất cao ở năng lực và trách nhiệm trồng người của ngành GD-ĐT.
HUỲNH THANH LUÂN