Vào năm 2018, thế hệ đội tuyển bóng đá quốc gia trong tay HLV Park Hang-seo vừa đạt độ tuổi 26-27, chúng ta đã nói đến câu chuyện trẻ hóa đội tuyển như một giải pháp có tính chiến lược nhằm duy trì vị thế hàng đầu khu vực hiện tại. Điều này không thường xảy ra trước đây, khi tuổi bình quân của đội tuyển thường là 28-29. Nhưng nay, chúng ta nhìn thấy giới hạn của việc chậm trẻ hóa, khiến cho tính cạnh tranh không được nâng cao và cũng làm mất động lực cho hệ thống đào tạo. Trẻ hóa trở thành một “từ khóa” để khơi thông dòng chảy tài năng, không đơn thuần là câu chuyện về tuổi tác, thành tích.
Vấn đề của bóng đá cũng là vấn đề mà các môn thể thao đỉnh cao khác của Việt Nam cần nghiền ngẫm và xây dựng chiến lược cho riêng mình. Với phong cách vận hành thể thao đỉnh cao tập trung cho cấp độ đội tuyển, ngành thể thao cũng rơi vào cảnh “đợi tre già thì măng mới mọc”. Như trường hợp của Nguyễn Tiến Minh (cầu lông) hay Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi lội), dù biết những ngôi sao này đã ở bên kia sườn dốc sự nghiệp, thì vẫn có xu hướng kỳ vọng ở nỗ lực cuối cùng của họ nhiều hơn là chấp nhận để các VĐV trẻ thay thế cùng một thành tích có thể không tốt bằng.
Nếu bơi lội còn đòi hỏi yếu tố thể chất cực kỳ đặc biệt, thì ở môn cầu lông, từ lúc tay vợt Tiến Minh đạt đến đẳng cấp cao nhất của sự nghiệp là vào năm 2009 thì đến nay, chưa có một VĐV nào của Việt Nam có thể đạt đến vị trí mà Tiến Minh đã có lúc mới khởi đầu sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp. Nghĩa là dù có một nguồn cảm hứng, một “đầu tàu” như vậy nhưng gần 20 năm qua, cầu lông Việt Nam vẫn không kịp lấp được khoảng trống Tiến Minh để lại bằng một nhóm VĐV có khả năng chơi cầu lông chuyên nghiệp. Chúng ta không đòi hỏi một Tiến Minh hay Ánh Viên thứ 2, nhưng ngay cả việc tạo ra một thế hệ VĐV có tiềm năng tương tự cũng đã có độ trễ khá lớn.
Đầu tư cho tài năng trẻ không đi kèm với sự bảo đảm thành công, bởi VĐV tài năng xuất chúng không thể xuất hiện một cách đều đặn. Nhưng nếu không quyết liệt trẻ hóa, không có những nguồn ngân sách thích đáng cho công tác đào tạo trẻ, thì dễ tạo ra sự đứt gãy giữa các thế hệ VĐV. Thể thao Việt Nam chưa có nền tảng chuyên nghiệp, các tài năng thể thao không thể tự phát triển thông qua những hoạt động đầu tư mang tính cá nhân, đa số vẫn phải dựa vào nguồn lực từ ngân sách. Nói cách khác, muốn có một tài năng mới, thì ngân sách phải được rót ngay từ khâu đào tạo và phát hiện nhân tài chứ không thể đợi đến khi có tài năng rồi mới tập trung đầu tư.
Về mặt khách quan, chuyện trẻ hóa nền thể thao còn liên quan đến tầm nhìn của các nhà quản lý. Nếu một môn thể thao có liên đoàn, hiệp hội mạnh và tài chính dồi đào thì phong trào sẽ phát triển, tài năng cũng sẽ dễ phát hiện. Ngược lại, nếu các nhà quản lý tạo ra được làn sóng trẻ hóa, lực lượng kế thừa liên tục, thì cũng sẽ thúc đẩy phong trào hay thu hút nguồn lực tài trợ. Chính vì thế, không chỉ trong bóng đá, mà các môn thể thao đỉnh cao có tiềm năng tại Việt Nam đều nên xây dựng chiến lược trẻ hóa đồng độ, lấy đó làm tiêu chí cốt lõi cho hoạt động của mình.