“Đã trót mang nghiệp “đưa đò”, vui nhất trong năm không phải là lễ, tết mà là ngày được toàn xã hội tôn vinh, đi đâu cũng đón nhận những lời chúc mừng tốt đẹp nhất”, đó là chia sẻ chân tình của cô giáo trẻ Nguyễn Thị Phương Linh, giáo viên Trường Mầm non Măng non 3 (quận 10) tại buổi giao lưu “Trái tim người thầy” vừa được tổ chức tại Cung Văn hóa Lao động TPHCM.
Hạnh phúc khôn tả
Những ngày này, cô giáo Nguyễn Ngọc Điệp, giáo viên môn Hóa, Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ (quận 7) hân hoan trong niềm vui được bình chọn là một trong bốn giáo viên tiêu biểu đạt danh hiệu “Trái tim người thầy” năm 2011. Hơn 35 năm công tác trong môi trường giáo dục, chưa năm nào cô nhận được nhiều lời chúc mừng, cả những cuộc điện thoại từ nước ngoài gọi về khi cô bước lên nhận giải được phát sóng trên truyền hình.
Cũng nghẹn ngào xúc động như vậy, cô Tăng Mỹ Dung, giáo viên chủ nhiệm lớp 12AC1, Trường THPT Thủ Thiêm (quận 2), thầm nhớ từng khuôn mặt học trò cô đã từng yêu thương, dạy dỗ. Sau khi buổi ghi hình được phát sóng, tới tấp tin nhắn được gởi về với nội dung “Cô ơi, con biết ơn cô nhiều lắm”. Trong đó, có những tin nhắn cô biết tên người gởi, song cũng có những tin cô không biết của ai. Nhưng trên tất cả những điều đó, “chỉ cần học sinh của mình ra trường, có công ăn việc làm ổn định và vẫn nhớ đến mình là vui lắm rồi”, cô Dung bày tỏ.
Một niềm vui khác, cô Cung Thị Hiền Hạnh, giáo viên dạy Sử, Trường THCS Lê Văn Tám (quận Bình Thạnh) mấy ngày qua ngược xuôi nhờ người liên hệ phòng giáo dục quận và báo, đài xin thêm thư mời cho học trò của mình được vào dự buổi lễ trao giải thưởng Võ Trường Toản sắp diễn ra vào đêm 19-11 tới.
“Thư mời chỉ có hai cái, trong khi toàn bộ 40 học sinh lớp tôi chủ nhiệm đều nhất mực đòi hôm đó phải theo tôi vào nhận giải. Cả những em đã học tôi cách đây 5, 10 năm biết tin tôi được giải thưởng cũng gọi điện về xin được vào dự chia vui”, cô Hạnh tự hào chia sẻ.
Cùng tâm trạng đó, cô giáo Nguyễn Thị Dung, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chính (quận Phú Nhuận) cả tuần nay cũng liên tục nhận được những cuộc điện thoại chúc mừng cô được nhận giải thưởng Võ Trường Toản từ chính phụ huynh học sinh những lớp cô từng chủ nhiệm. Cô Dung bày tỏ: “Học trò thương giáo viên đã vui một, không ngờ đến cả phụ huynh cũng quan tâm, yêu mến thì hạnh phúc không gì tả được”. Hơn nữa, năm nay rất có thể sẽ là năm cuối cô còn ở Việt Nam trước khi cùng chồng định cư nước ngoài. Do đó, đây sẽ là kỷ niệm cô không thể nào quên.
Nửa chữ cũng là thầy...
Ngày 20-11 năm nay đối với thầy giáo Nguyễn Quốc Hùng, giáo viên chủ nhiệm lớp 11CE1, Trường THPT công lập Nguyễn Khuyến (quận 10) trở nên vô cùng có ý nghĩa khi thầy được một học sinh cũ ở Trường THPT Kiên Lương (tỉnh Kiên Giang) - nơi thầy từng được phân bổ công tác 2 năm đầu sau khi tốt nghiệp, mời cả gia đình về nhà chơi.
Thầy Hùng kể, ở những vùng quê nghèo khó, đôi khi học trò bằng hoặc lớn tuổi hơn cả thầy cô giáo. Song, không vì thế mà tiếng “thầy” thiếu đi sự kính trọng. Dù ngồi ở lớp học hay cùng nhau lên rẫy, các em cũng rất quý các thầy cô giáo, trong nhà có ít trái cây vừa chín tới hay đàn heo mới đẻ cũng chạy qua biếu thầy. “Trải qua gần 20 năm với rất nhiều thay đổi, học trò cũ của tôi ngày nào nay đã có gia đình riêng, con cái lớn hơn cả tuổi con tôi nhưng thầy trò mỗi khi có dịp gặp mặt vẫn ôn lại chuyện cũ. Em vẫn không quên những ngày tháng được tôi dạy dỗ…”, thầy Hùng bồi hồi chia sẻ.
Hình ảnh người thầy đẹp cả về nội dung lẫn hình thức, là tấm gương cho bao thế hệ học trò khôn lớn, trưởng thành. Để rồi mỗi năm đến ngày 20-11, cả nước lại hướng về kỷ niệm tri ân các thầy cô giáo, đây là truyền thống tốt đẹp ngàn đời của dân tộc.
Thu Tâm