Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước nghiêm túc thực hiện và chỉ đạo doanh nghiệp (DN) trực thuộc triển khai đầy đủ, đúng quy định về công bố thông tin (CBTT) tại Nghị định số 81/2015/NĐ-CP ngày 18-9-2015. Đối với các DN chưa thực hiện đầy đủ, nghiêm túc việc công bố thông tin trong năm 2018 hoặc cả 3 năm 2016 - 2018, Phó Thủ tướng yêu cầu “xử lý trách nhiệm đối với người quản lý DN theo hướng khiển trách hoặc cảnh cáo và xử lý vi phạm đối với DN theo quy định tại Nghị định 81/2015/NĐ-CP”. Các DN vi phạm quy định về CBTT cũng sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định số 50/2016/NĐ-CP ngày 1-6-2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.
Yêu cầu CBTT đối với DN nhà nước (DNNN) là vấn đề không có gì phải bàn cãi. Câu hỏi cần đặt ra là tại sao yêu cầu hiển nhiên đó lại dường như “khó” đến mức đích thân Phó Thủ tướng phải đưa ra lời nhắc nhở nghiêm khắc? Theo quy định của Nghị định 81/2015/NĐ-CP, các DN do Nhà nước làm chủ sở hữu, các công ty con do DNNN sở hữu 100% vốn điều lệ phải CBTT trên trang điện tử của DN, đồng thời gửi các báo cáo về cơ quan đại diện chủ sở hữu và Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Nhưng tình trạng trễ nải, thậm chí phớt lờ nghĩa vụ này thì năm nào cũng xảy ra.
Ngày 12-3-2018, tức là chỉ 2 ngày trước thời hạn cuối cùng nhận góp ý cho dự thảo báo cáo tình hình CBTT của DNNN năm 2017 theo yêu cầu của Nghị định 81/2015/NĐ-CP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sau khi gửi đi những văn bản đốc thúc lần cuối tới gần 357 DN (trong tổng số 622 DNNN), bộ đã không nhận được một phản hồi nào, không trả lời về lý do im lặng. Trong số này có những DN tên tuổi như: Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, Tổng công ty Lương thực Miền Bắc, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…
Năm nay, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tình hình cũng không khá hơn. Tính đến hết tháng 5, nhiều DNNN vẫn chưa công khai báo cáo tài chính kiểm toán năm 2018, mà theo quy định là không muộn hơn ngày 31-5-2019. Đó là chưa kể nhiều DNNN thực hiện CBTT một cách hình thức. Nguồn tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thông tin công bố trong 9 báo cáo của DNNN có 100% vốn nhà nước còn chung chung, thiếu diễn giải, khó hiểu, thậm chí nội dung lặp đi lặp lại qua các năm.
Căn bệnh “sợ” công khai, minh bạch thông tin có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân: hiệu quả hoạt động thấp xa so với nguồn lực nhà nước được nắm giữ; quản trị DNNN phần lớn chưa hiệu quả. Trong khi đó, lợi ích của minh bạch hóa thông tin (như: tăng hiệu quả kinh doanh, khả năng huy động vốn, tăng giá cổ phiếu) trong điều kiện của Việt Nam (công chúng chưa coi trọng và đánh giá cao những nỗ lực của các DN thực hiện tốt quy định CBTT) lại chưa rõ nét. Mặt khác, tiền xử phạt các trường hợp vi phạm pháp luật về minh bạch thông tin lại không lớn hơn chi phí tuân thủ nên nhiều DN chấp nhận nộp phạt.
Mới đây, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2019, ông Tomaso Andreatta, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) nhận định, Việt Nam cần trung bình hàng chục tỷ USD mỗi năm cho nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng. Trong bối cảnh nợ công đã và đang chạm kịch trần, hình thức đối tác công - tư (PPP) là lời giải khả dĩ cho bài toán này. Bất kỳ sự tham gia nào của Nhà nước trong phần vốn chủ sở hữu của một dự án đối tác công - tư phải được thực hiện thông qua các DNNN. Cơ chế này chỉ có thể vận hành suôn sẻ khi các thông tin hoạt động của DNNN được tập hợp chính xác, công bố trung thực và kịp thời.
Thực tế trên cho thấy, đã đến lúc cần có những “liều thuốc đắng” để chấn chỉnh những DNNN và cơ quan xem thường kỷ luật hành chính, buộc các đối tượng này nghiêm túc thực hiện trách nhiệm của mình. “Thuốc đắng” ở đây chính là siết chặt kỷ luật hành chính, xây dựng những chế tài nghiêm khắc, theo hướng bên cạnh việc xử lý trách nhiệm chính trị của người đứng đầu DN, đứng đầu cơ quan chủ quản, thì chi phí do không CBTT phải lớn hơn nhiều so với chi phí để CBTT. Đây là việc làm không chỉ để giám sát việc sử dụng các nguồn lực của Nhà nước, tránh gian lận, thất thoát, lãng phí, mà còn để Việt Nam có thể bước vào sân chơi toàn cầu với vị thế của người nghiêm túc chấp hành các cam kết quốc tế.