Vụ gian lận điểm thi ĐH ở các tỉnh phía Bắc ngày càng phơi bày ra nhiều mặt trái, tiêu cực của xã hội. Dư luận rõ ràng không bất ngờ khi cơ quan công an vào cuộc đã lật mặt, khởi tố, bắt giam những cán bộ làm công tác giáo dục, gác thi, lại nhúng chàm, lợi dụng quyền hạn để sửa điểm thi. Dư luận cũng không bất ngờ những thí sinh được nâng điểm đều có cha mẹ là cán bộ, có quan hệ rộng và ít nhất là quan hệ với những người làm công tác giáo dục. Và dư luận cũng đòi hỏi phải truy đến cùng, làm “cho ra ngô ra khoai” sự việc, để xử lý thật nghiêm những con người giả dối, coi thường pháp luật.
Nhưng thật oái ăm, việc truy ra cha mẹ của thí sinh, đa số là những cán bộ, đảng viên lại đặt ra nhiều vấn đề pháp lý mới, những cách xử lý không dễ dàng. Tỉnh Sơn La, có 44 thí sinh nằm trong danh sách được nâng điểm sau khi Bộ GD-ĐT chấm thẩm định, đã xác định nhiều phụ huynh là cán bộ, đảng viên dính đến gian lận thi cử. Báo chí phanh phui một số trường hợp đáng lưu ý như cha mẹ là cán bộ ngành giáo dục, cán bộ trại giam, công an tỉnh, bộ đội biên phòng, cục thuế, UBND TP Sơn La, ban quản lý dự án… Nhiều người còn đảm nhận các chức vụ như phó giám đốc sở, phó chánh thanh tra, phó chánh văn phòng, cục trưởng, phó chủ tịch UBND. Hiện rất khó xác định mối quan hệ “qua - lại” giữa các phụ huynh này với những cán bộ giáo dục sửa điểm đã bị khởi tố để có thể truy cứu trách nhiệm hình sự hay trách nhiệm liên đới trong vụ gian lận điểm thi động trời này. Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Sơn La đã nêu quan điểm rất rõ ràng: sẽ xử lý nghiêm các trường hợp phụ huynh là cán bộ, đảng viên sau khi cơ quan tiến hành tố tụng hoàn tất việc xử lý gian lận thi cử. Trước mắt, các phụ huynh có liên quan này sẽ bị tạm ngưng mọi việc liên quan đến khen thưởng, đề bạt, bổ nhiệm.
Không chỉ là hành vi không thể chấp nhận về mặt đạo đức, dư luận cho rằng đây có dấu hiệu của tội đưa hối lộ và yêu cầu cơ quan điều tra cần thu thập bằng chứng, làm rõ hành vi để xử lý hình sự. Vụ việc phải được xử lý công khai, thông tin cần minh bạch, người càng có chức vụ càng phải bị xử lý nghiêm. Mặt khác, nguy hiểm hơn, đó là biểu hiện của tội tham nhũng khi người có chức vụ, quyền hạn lợi dụng sự ảnh hưởng của mình để tác động cán bộ thuộc cấp mang lại những điểm thi có lợi cho con cháu mình, tạo tiền đề cho sự thăng tiến của con cháu về sau.
Một nền giáo dục thực sự phải bắt nguồn từ tế bào gia đình. Một gia đình hình thức, trong đó cha mẹ thiếu dạy dỗ con cái, lấy đồng tiền, lợi quyền làm thước đo thành công cho con thì sẽ sản sinh ra những con người thiếu lòng tự trọng, xem thường người khác, sẽ gây nguy hiểm cho xã hội. Trong vụ gian lận điểm, đích danh là cha mẹ đã thể hiện cái tôi quá lớn, thể hiện sức mạnh của quyền lực, của đồng tiền, vô tình làm hư hỏng con, làm hỏng cuộc đời mới chớm của con cái. Thật không khó để điểm chỉ nữ sinh có học lực trung bình trong mắt thầy cô, bạn bè mà chỉ qua vài buổi thi đã nghiễm nhiên trở thành thủ khoa ngành Sư phạm ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Cô lại rất tự tin, phát biểu về năng lực, quá trình nỗ lực của mình khi trả lời báo chí. Một á khoa của Học viện Hậu cần với tổng điểm 3 môn Toán, Lý, Hóa là 28,25 điểm, vì đã được nâng tới 18,8 điểm. Một thủ khoa của Trường Sĩ quan Lục quân 1, sau khi chấm thẩm định mới biết Toán được 1 điểm, còn 2 môn Lý và Hóa chỉ là 2 con số 0 tròn trĩnh, nghĩa là em đã được nâng tới 26,45 điểm… Và nhiều học sinh khác trong số 222 học sinh được gian lận, nâng điểm ở Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La, đã có mặt trong những trường đại học có danh như công an, quân đội, y dược, sư phạm, kỹ thuật… Các em không chỉ giành suất của bạn bè cùng trang lứa khác, mà chút nữa đã trở thành “nhân lực nguy hại” cho sự phát triển xã hội.
Cũng cần biết rằng quá trình tìm kiếm, phát hiện sự giả dối đó kéo dài gần 1 năm, khi những cậu ấm cô chiêu đó đã ấm ghế giảng đường. Hậu quả của sự giả dối khiến nhiều người đau lòng, khiến các trường đại học khó xử, khiến những cán bộ, đảng viên bẽ mặt, và còn sẽ đối diện với sự nghiêm minh của pháp luật. Trách nhiệm trong vụ việc này cũng phải được làm rõ, chỉ rõ từ công tác quản lý của ngành giáo dục, từ việc giáo dục - đào tạo chỉ dựa vào thi cử, từ kết quả cuộc thi “3 chung” để xét vào đại học, từ quy trình lỏng lẻo trong thi cử đến sự tha hóa bản chất của những cá nhân làm công tác giáo dục. Trách nhiệm còn thuộc về các địa phương xem trọng thành tích, quản lý cán bộ lỏng lẻo, thậm chí thỏa hiệp với tham nhũng, coi thường pháp luật, coi thường đạo đức xã hội. Về lâu dài, nạn nâng điểm, gian lận thi cử phải được xử lý thật nghiêm, phải bị triệt tiêu, không chỉ để chấn chỉnh trong nội tại ngành giáo dục, mà còn hướng đến xây dựng xã hội trong sạch, phát triển lành mạnh.