Trình Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt SGK lớp 2 trước 30-11

Để SGK lớp 2 mới kịp triển khai từ năm học 2021-2022 thì Hội đồng quốc gia thẩm định SGK phải trình Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt trước 30-11.

Ngày 18-8, tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT họp Hội đồng thẩm định sách giáo khoa (SGK) lớp 2 biên soạn theo chương trình giáo dục phổ thông mới. 

Về công tác chuẩn bị tổ chức thẩm định SGK lớp 2, TS Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT), cho biết, đến nay đã hết thời hạn tiếp nhận hồ sơ đề nghị thẩm định SGK lớp 2 và lớp 6. Vụ Giáo dục tiểu học đã tiếp nhận hồ sơ của 4 nhà xuất bản (NXB): NXB Giáo dục Việt Nam, NXB Đại học Sư phạm, NXB Đại học Sư phạm TPHCM, NXB Đại học Quốc gia TPHCM với 33 bản mẫu tương ứng đủ 9 môn học, hoạt động giáo dục lớp 2.

Cụ thể: môn Tiếng Việt (3 cuốn), môn Toán (4 cuốn), môn Đạo đức (3 cuốn), môn Tự nhiên - Xã hội (3 cuốn), môn Giáo dục thể chất (3 cuốn), môn Nghệ thuật (Âm nhạc - 3 cuốn), môn Nghệ thuật (Mỹ thuật - 3 cuốn), hoạt động trải nghiệm (3 cuốn), môn Tiếng Anh (8 cuốn). 

Vụ Giáo dục tiểu học đã tổ chức rà soát và khẳng định tính đầy đủ, hợp lệ của các hồ sơ đề nghị thẩm định. Vụ Giáo dục tiểu học đã gửi các bản mẫu SGK đến từng thành viên Hội đồng thẩm định để nghiên cứu độc lập về các bản mẫu SGK. Sau 15 ngày theo quy định, Bộ GD-ĐT đã triệu tập Hội đồng quốc gia thẩm định SGK lớp 2 từ ngày 18-8, trong đó mỗi bản mẫu SGK lớp 2 được họp thẩm định không quá 5 ngày.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ yêu cầu thành viên Hội đồng thẩm định phải cam kết không tham gia các công việc liên quan đến biên soạn, xuất bản SGK; bảo mật thông tin, dữ liệu. Khi thực hiện đánh giá SGK theo quy định tại Thông tư 33 về biên soạn, thẩm định SGK, các thành viên thực hiện theo hướng dẫn chi tiết các nội dung đánh giá SGK và những nội dung đặc thù cụ thể hóa cho SGK lớp 2 ở từng môn học được quy định. Việc thẩm định phải đảm bảo tính nghiêm túc, khoa học, công bằng, khách quan, có chất lượng, không chịu bất cứ sức ép nào. 

Theo quy định, trong trường hợp có môn học không có đơn vị nào đăng ký thẩm định, Bộ GD-ĐT sẽ chịu trách nhiệm biên soạn. Hoạt động thẩm định cần chuẩn mực và dứt khoát về mặt chuyên môn, công khai, minh bạch, công bằng giữa các nhóm tác giả và không chịu tác động từ bên ngoài.

Hầu hết thành viên Hội đồng quốc gia thẩm định SGK lớp 2 đều đã có kinh nghiệm thẩm định SGK lớp 1 mới. Để SGK lớp 2 mới kịp triển khai từ năm học 2021-2022 thì Hội đồng quốc gia thẩm định SGK phải trình Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt trước 30-11.

Tin cùng chuyên mục