Nếu như luyện thi đại học (LTĐH) các môn văn hóa gần như “hết thời” vì hình thức ôn luyện trực tuyến mọc lên như nấm, cấu trúc đề thi bao năm… vẫn chạy tốt. Trái lại, LTĐH các môn năng khiếu như vẽ, hát, diễn xuất... ngày càng khởi sắc khi vầng hào quang của những nghề thời thượng luôn lấp lánh thu hút giới trẻ.
Hiếm nên hút
Thí sinh (TS) Nguyễn Thị Minh Nguyệt từ An Giang lên TPHCM tìm chỗ luyện thi khối V để dự thi vào ngành kiến trúc. Những môn toán, lý đã luyện nhừ như cháo không là trở ngại lớn nhưng Nguyệt vẫn canh cánh nỗi lo với môn vẽ mà ở quê không tìm ra chỗ dạy. Nguyệt được người quen giới thiệu đến học vẽ tại nhà cô giáo tên Mai trên đường Lê Hồng Phong. Khi đến lớp, tiếng tăm của cô giáo được chứng tỏ bằng số học viên quá đông, cùng nhồi nhét trong “hộp” chừng mươi mét vuông và không còn chỗ nhận người mới.
Chị Nga, người dẫn Nguyệt đi tầm sư…học vẽ than vãn: Tụi nhỏ trên này muốn thi năng khiếu đã luyện từ những năm cấp 3 chứ không đợi nước đến chân mới lo như học trò ở quê. Mấy lớp luyện năng khiếu giờ đã kín người nên tìm chỗ trống cũng khó…
Quả thật, khi ngày thi đến gần, những lớp dạy vẽ để thi vào các trường mỹ thuật, kiến trúc như trúng mùa, chỗ nào cũng đông nghẹt học viên. Nhiều TS mới từ quê lên tỉnh mệt mỏi tìm cho ra một chỗ luyện năng khiếu để gửi gắm hy vọng vào giảng đường đại học.
Đến lớp dạy vẽ của thầy Tiến trên đường Hồ Biểu Chánh (quận Phú Nhuận), hàng chục học viên đủ mọi trình độ từ vỡ lòng đến biết vẽ nhiều năm ngồi chen chúc nhau nhìn tượng mà vẽ. Vào mùa cao điểm này, mỗi ngày thầy dạy liền tù tì 3 ca từ sáng đến tối. “Học viên cứ đến học 1 buổi đóng 50.000 đồng rồi vào ngồi vẽ. Khi nào vẽ xong chờ thầy chỉnh sửa. Em luyện cấp tốc 1 tháng cũng ngốn gần 2 triệu đồng chỉ riêng cho môn vẽ, chẳng biết kết quả sẽ đi về đâu…”, một học viên cho biết.
Tương tự, những lớp luyện các môn năng khiếu như diễn xuất, mỹ thuật, thanh nhạc… tại các trường năng khiếu cũng đã kín người học. Tại Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật TPHCM, các lớp âm nhạc có lịch học tuần 2 buổi với học phí 400.000 – 500.000 đồng/tháng nhưng đã khai giảng từ đầu tháng 5 và không còn nhận thêm học viên mới. Các lớp mỹ thuật có học phí 480.000/tháng, lớp diễn xuất dành cho TS thi vào các ngành diễn viên kịch nói, cải lương có mức học phí 300.000 đồng/khóa từ 14-6 đến 7-7…
Những môn năng khiếu vốn “kén” người học, không chỉ tốn kém kinh phí, mà đòi hỏi người theo đuổi phải có “chất”. Thí sinh Nguyễn Ngọc Chơn (Bình Định) mồ côi từ nhỏ, sống với bà ngoại, đang nuôi dưỡng giấc mơ trở thành thầy dạy nhạc. Sau khi biết tin đậu tốt nghiệp THPT, Chơn phải vay họ hàng đủ 3 triệu đồng để vào TPHCM thực hiện ước mơ. Nhưng khi đến Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật TPHCM, Chơn nhận được cái lắc đầu vì các lớp thanh nhạc đã khai giảng từ lâu nên có cho Chơn vào học cũng khó theo kịp bạn bè. Trước niềm đam mê của Chơn, cậu đã được giới thiệu đến lớp dạy nhạc có tiếng của cô Hồng Thái, giảng viên lâu năm của Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật TPHCM luyện thi khi số tiền hành trang đã vơi đi gần nửa…
Gian nan con đường nghệ thuật
Theo chân Chơn đến lớp luyện thanh mới thấy con đường đi đến nghệ thuật chân chính đầy vất vả. Giữa trưa trời hè oi bức, lại điệp khúc cúp điện mùa khô, căn nhà của cô giáo dạy nhạc nóng như ran vẫn trầm bổng tiếng đàn piano. Một học viên cố nhắm mắt, nhăn mặt, hóp bụng, uốn lưỡi cất giọng luyện thanh. Cả tiếng đồng hồ chảy mồ hôi, cậu phải cố tập cho tốt một bài học của phần luyện thanh cho ngày thi gần kề. Cạnh đó, 3-4 sĩ tử vẫn ngồi chờ đến lượt.
Học viên Minh Khoa vừa bước ra khỏi phòng tập mồ hôi nhễ nhại kể: Em học chỉ riêng môn luyện thanh đã 7 tháng, nhưng vẫn chưa chắc khả năng đậu vì nhiều bạn đã luyện từ rất lâu rồi. Học âm nhạc vất vả lắm, đòi hỏi đầu tư nhiều công sức, không được thức khuya dậy sớm, phải chuẩn bị nhiều sức khỏe nên sau 7 tháng theo học, em sụt hơn 5kg”.
Theo cô Hồng Thái: Trường hợp của Chơn và các bạn vừa học phổ thông lên thường chưa có một tí gì kiến thức thanh nhạc. Nếu không học ở các thầy cô thì chắc chắn sẽ rớt. Thế nhưng, chỉ luyện thi 1 tháng thì không ăn thua gì cả. Để luyện giọng vang thôi cũng không đủ thời gian để vang nổi chứ đừng nói là hát cho đúng, cho đẹp. Luyện thi ở trường rất đông học viên nên luyện thanh tập thể và hát cũng văn nghệ quần chúng nốt. “Menu” luyện thanh dành cho một sĩ tử sắp bước vào kỳ thi rất căng thẳng. Mỗi ngày phải luyện ít nhất 30 phút. Mỗi tuần phải luyện với thầy từ 2-3 lần. Bên cạnh đó, phải tập luyện hơi, thở thường xuyên và phải học ký xướng âm và các môn văn hóa khác. Thời khóa biểu tỷ lệ nghịch với thời gian muộn màng của mình khiến Chơn thất vọng. Nhưng Chơn khẳng định chắc nịch: Năm nay không đậu, em nhất định học đến qua sang năm thi tiếp.
Rời lớp thanh nhạc và tạm biệt ước mơ của Chơn, chúng tôi tìm đến lớp học diễn xuất của các sĩ tử mộng trở thành diễn viên tại một trường CĐ. Không giống với lớp luyện thi của dân “tiền họa sĩ” hơi “dơ”, sĩ tử ở đây là những cô tú, cậu tú có gương mặt xinh xắn, “xì tai” hợp mốt như diễn viên Hàn Quốc. Lớp học với 4 bức tường lớn, chỉ có thầy và trò. Một bạn gái đang tập diễn tả tâm trạng buồn. Mặc kệ giáo viên hết chỉ dẫn “không nên nhăn mặt, phải nghĩ đến tình cảnh này” đến động viên, rồi la lớn, khuôn mặt của TS chỉ nhăn nhó chứ không thấy buồn. Cả lớp được dịp cười rần và bạn TS chỉ biết đứng im… Chuyện TS không có năng khiếu vẫn muốn làm nghệ sĩ không phải là hiếm.
Với nhiều năm kinh nghiệm trong nghề đào tạo năng khiếu, cô Hồng Thái khuyên: Trong nghệ thuật “có bột thì mới gột nên hồ”, nhiều bạn chỉ đơn giản là “hay hát” đã nghĩ rằng mình có tố chất. Làm nghệ thuật phải có năng khiếu, cộng với sự tập luyện miệt mài mới mong đậu được. Hơn nữa, sau khi ra trường đòi hỏi phải có nhiều yếu tố may mắn mới có thể nổi tiếng. Vì vậy, các bạn trẻ cần cân sức trước khi dấn thân theo đuổi nghề.
Dù ai cũng thừa hiểu đường đến nghệ thuật không bằng phẳng nhưng cuộc sống hào nhoáng và vầng hào quang chói lòa vẫn là thứ ánh sáng đầy hấp lực với nhiều người. Và luyện thi năng khiếu để chạy đua vào các trường đào tạo nghệ thuật đang là “mốt” mới của mùa thi mà không phải ai cũng có thể đeo đuổi đến cùng.
Tiêu Hà