Trung Quốc gây bất ổn, căng thẳng biển Đông

Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 7-1 (giờ Washington) đã cảnh báo việc Trung Quốc thực hiện bay thử nghiệm ra sân bay mà nước này xây dựng bất hợp pháp trên bãi đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là hành động làm gia tăng căng thẳng và bất ổn trong khu vực.
Trung Quốc gây bất ổn, căng thẳng biển Đông

Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 7-1 (giờ Washington) đã cảnh báo việc Trung Quốc thực hiện bay thử nghiệm ra sân bay mà nước này xây dựng bất hợp pháp trên bãi đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là hành động làm gia tăng căng thẳng và bất ổn trong khu vực.

Không thể chấp nhận

Phát biểu trước báo giới tại thủ đô Washington, người phát ngôn Lầu Năm Góc Peter Cook nhấn mạnh, Mỹ quan ngại về những chuyến bay này cũng như những hành động của Trung Quốc tại các hòn đảo tranh chấp ở biển Đông. Bất cứ động thái nào như việc tìm cách quân sự hóa hay xây dựng đảo nhân tạo ở biển Đông sẽ chỉ gây thêm bất ổn trong khu vực. Quan chức này đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải có một giải pháp ngoại giao cho các vấn đề trên.

Trung Quốc vừa thử nghiệm các chuyến bay ra sân bay xây dựng bất hợp pháp tại bãi đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam

Cũng liên quan đến vấn đề này, trong cuộc báo chung với người đồng cấp Phillippines Albert del Rosario, Ngoại trưởng Anh Philip Hammond đang ở thăm Phillippines khẳng định, bất kỳ hành động nào cản trở hoạt động hàng hải và hàng không trên biển Đông được xem là “ranh giới đỏ đối với Anh”. Anh sẽ tiếp tục các biện pháp bảo đảm quyền tự do hàng hải, hàng không trong khu vực.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Rosario bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc tiến hành hoạt động bay thử nghiệm trên đường băng mà Bắc Kinh mới xây dựng ở bãi đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa. Ông khẳng định đây là hành động “không thể chấp nhận được”.

Ngày 6-1-2016, hai máy bay dân sự cỡ lớn của Trung Quốc đã hạ cánh xuống sân bay mà Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp trên bãi đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã ra tuyên bố phản đối hành động này của phía Trung Quốc.

Quan ngại gia tăng

Trước các hành động của Trung Quốc tại biển Đông, chiều 7-1 (giờ Washington) Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan cho rằng căng thẳng trên biển Đông nhấn mạnh sự cần thiết để Mỹ duy trì một lực lượng hải quân mạnh. Theo Reuters, ông chỉ trích chính phủ của Tổng thống Barack Obama chủ trương cắt giảm số lượng tàu chiến của Hải quân Mỹ. Ông Ryan cho biết tại một cuộc họp báo: “Chúng ta (nước Mỹ) không cần phải có một tổng thống đề xuất hạ thấp số lượng tàu chiến trở về mức trước Thế chiến thứ nhất. Điều này có nghĩa là chúng ta cần phải có một chính sách đối ngoại thực sự có sức mạnh quân sự và hải quân mạnh mẽ”.

Ứng viên Tổng thống đảng Cộng hòa Marco Rubio lặp lại lời kêu gọi của ông Ryan, nói rằng, nếu đắc cử, ông sẽ đưa tàu chiến Mỹ vào biển Đông để thách thức chủ quyền về hàng không và hàng hải do Trung Quốc đơn phương xác nhận trong khu vực. “Chúng ta cần phải tiếp thêm sức mạnh cho liên minh quân sự Thái Bình Dương, bắt đầu với việc đầu tư các nguồn lực cần thiết để xây dựng lại hải quân của chúng ta”, Thượng nghị sĩ bang Florida Marco Rubio nói.

Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain nói rằng việc thiếu các hành động của Mỹ sau một lần tuần tra hải quân gần các đảo do Trung Quốc bồi đắp trái phép ở biển Đông vào tháng 10-2015 đã dẫn đến Trung Quốc tiếp tục “theo đuổi tham vọng lãnh thổ của mình” trong khu vực.

Các chuyên gia quốc tế cũng bày tỏ quan ngại về tình hình biển Đông sau khi Trung Quốc đưa máy bay thử nghiệm tại bãi đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ông Ian Storey, chuyên gia về biển Đông tại Viện ISEAS Yusof của Singapore, cho biết, ông lo ngại căng thẳng trầm trọng hơn khi Trung Quốc sử dụng cơ sở mới ở biển Đông để can dự sâu hơn vào vùng biển Đông. Theo ông, thậm chí nếu Trung Quốc không tuyên bố Khu vực nhận dạng phòng không (ADIZ), nhưng Bắc Kinh có nhiều hành động để bảo vệ các đường băng mới và các cơ sở khác xây trái phép ở biển Đông cũng đủ làm gia tăng căng thẳng.

THỤY VŨ (tổng hợp) 

 Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển Việt Nam

Ngày 8-1, tại hội nghị tổng kết công tác biên phòng năm 2015, Đại tá Lê Văn Phúc, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) TP Đà Nẵng, cho biết: Trong năm 2015 có 264 lượt tàu thuyền Trung Quốc xâm phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam, trong đó có 207 lượt tàu cá xâm phạm chủ quyền đánh bắt hải sản ở khu vực Đông Bắc Sơn Trà, 57 lượt tàu chấp pháp Trung Quốc hoạt động trinh sát tại các lô dầu khí 116, 144, 145 thuộc chủ quyền vùng biển của Việt Nam. Ngoài ra có 4 trường hợp tàu quân sự, tàu chấp pháp xua đuổi tàu cá của Đà Nẵng, Quảng Ngãi khi hoạt động khai thác hải sản tại khu vực Hoàng Sa.

Trong năm 2015, Trung Quốc tiếp tục thể hiện sự bành trướng trên biển Đông với các hoạt động xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam như: đẩy mạnh các hoạt động cải tạo, xây dựng các công trình trên các đảo chiếm đóng trái phép tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Nguy hiểm hơn, phía Trung Quốc thường xuyên duy trì các loại tàu quân sự, tàu chấp pháp, tàu bay tuần tra xua đuổi, bắt giữ tàu cá, cản trở các hoạt động cứu hộ, cứu nạn, hoạt động thăm dò dầu khí trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, đơn phương cấm đánh bắt hải sản trên vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam…

NGUYỄN HÙNG

Tin cùng chuyên mục