Trung tướng Nguyễn Thành Cung, UVTƯ Đảng, Bí thư Đảng ủy,Chính ủy QK7: Mãi mãi xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”

Trung tướng Nguyễn Thành Cung, UVTƯ Đảng, Bí thư Đảng ủy,Chính ủy QK7: Mãi mãi xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”
Trung tướng Nguyễn Thành Cung, UVTƯ Đảng, Bí thư Đảng ủy,Chính ủy QK7: Mãi mãi xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” ảnh 1

“Ở mỗi giai đoạn khác nhau của cách mạng, nhiệm vụ cụ thể của người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam có thể khác nhau nhưng phẩm chất cao quý của “Bộ đội Cụ Hồ” thì không thay đổi. Đó là niềm tự hào và động lực để quân đội ta luôn xứng đáng với sự tin cậy của Đảng và nhân dân”-Trung tướng Nguyễn Thành Cung (ảnh), UVTƯ Đảng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 7, nhấn mạnh trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo SGGP.

Từ nhân dân mà ra

* Phóng viên: Thưa Trung tướng, nói đến Quân đội nhân dân Việt Nam là nói đến những người chiến sĩ cách mạng, được nhân dân ta tin tưởng gọi với cái tên trìu mến “bộ đội Cụ Hồ”. Trong chiến tranh giải phóng, “bộ đội Cụ Hồ” thật gần gũi, thân thiết với nhân dân. Ngày nay, hình ảnh người chiến sĩ có khác gì so với trước đây?

* Trung tướng NGUYỄN THÀNH CUNG: Đồng chí có biết lời một bài hát trong thời kỳ kháng chiến - bài “Vì nhân dân quên mình” không? “Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh… Đoàn vệ quốc chúng ta, từ nhân dân mà ra, được dân mến, được dân tin muôn phần. Thề vì dân suốt đời, thề tranh đấu không ngừng, vì đất nước thân yêu mà hy sinh… Đoàn vệ quốc chúng ta, là con yêu của Người. Thề tranh đấu suốt đời vì nhân dân…”. Chúng tôi, những người chiến sĩ, mỗi lần đứng trong hàng quân, hát bài hát ấy, lại thấy máu chảy rần rần trong huyết quản.

Lời bài hát đã khái quát phẩâm chất, lý tưởng của “bộ đội Cụ Hồ” và đó cũng là lời thề của người chiến sĩ cách mạng với Đảng, Bác Hồ, Tổ quốc và nhân dân. Vì dân tộc, vì nhân dân mà Chủ tịch Hồ Chí Minh mấy chục năm ròng bôn ba khắp năm châu bốn biển tìm đường cứu nước. Vì độc lập cho dân tộc và hạnh phúc của nhân dân mà Người trọn đời quên hạnh phúc cho riêng mình… Quân đội ta – Quân đội nhân dân Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, giáo dục và rèn luyện.

Hơn 60 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ kính yêu và được nhân dân thương yêu đùm bọc, quân đội ta không ngừng được tôi luyện, trưởng thành và tiếp thu được phẩm chất đạo đức cao quý vì nhân dân quên mình, luôn tận trung với Đảng, tận hiếu với dân. Do vậy, ở đâu bộ đội ta cũng được nhân dân hết mực tin yêu và “bộ đội Cụ Hồ” đã trở thành một biểu tượng thân thiết.
 
Ngày nay, trong bảo vệ và xây dựng đất nước, “bộ đội Cụ Hồ” vừa làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, vừa tham gia giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Hình ảnh anh bộ đội quên mình cứu dân khi gặp thiên tai, hỏa hoạn, đem cái chữ, đem ánh sáng văn hóa, khoa học kỹ thuật đến với bà con vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo; đã có những cán bộ, chiến sĩ hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ càng làm cho nhân dân tin yêu, mến phục.

Đây vừa là chức năng vừa là bản chất, truyền thống của “bộ đội Cụ Hồ”. Do đó, ở mỗi giai đoạn khác nhau của cách mạng, nhiệm vụ cụ thể của người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam có thể khác nhau nhưng phẩm chất cao quý của “bộ đội Cụ Hồ” thì không bao giờ thay đổi.

* Thế nhưng thực tế hiện nay, vẫn có nơi này nơi khác bà con phiền hà về lối sống, sinh hoạt của một số chiến sĩ tại địa phương nơi bộ đội đóng quân?
 
* Trong xây dựng quân đội, tất cả cán bộ chiến sĩ đều được giáo dục, rèn luyện chấp hành nghiêm kỷ luật, thống nhất cao về ý chí và hành động. Người chiến sĩ trong quân đội cách mạng thì dù ở đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải “làm cho dân tin, dân yêu; khi chưa đến thì dân trông mong, khi đến thì dân thương yêu giúp đỡ, khi đi nơi khác thì dân luyến tiếc, nhớ nhung”. Đã là “bộ đội Cụ Hồ” thì đều phải hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, đều phải chấp hành kỷ luật một cách tự giác, nghiêm minh.

Tuy nhiên, trong cuộc sống, công tác, do việc quản lý, giáo dục của đơn vị cộng với việc tu dưỡng, rèn luyện của cá nhân ở nơi này, nơi khác, lúc này, lúc khác chưa tốt có thể dẫn đến biểu hiện chấp hành kỷ luật không nghiêm, vi phạm mối quan hệ đoàn kết quân dân nhưng đây chỉ là cá biệt.
 
Kỷ luật tự giác - sức mạnh của sức mạnh

* Chúng ta nói kỷ luật là sức mạnh của quân đội; kỷ luật của quân đội ta được xây dựng trên hai yếu tố tự giác và nghiêm minh…

* Đúng, kỷ luật là sức mạnh của quân đội. Quân đội nào, của quốc gia nào cũng vậy. Quân đội nhân dân Việt Nam lại càng phải như vậy. Tuy nhiên, kỷ luật của quân đội ta không chỉ nằm ở điều lệnh mà trước hết, đó là tính tự giác, bắt nguồn từ sự giác ngộ sâu sắc về mục tiêu, lý tưởng cách mạng cao đẹp là phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Tự giác trong thực hiện nhiệm vụ, trong chiến đấu, công tác và trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào.

Nhờ kỷ luật tự giác, quân đội ta mới sản sinh hàng loạt tấm gương anh hùng như Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai, Tô Vĩnh Diện lấy thân chèn pháo, rồi nữ anh hùng Út Tịch “còn cái lai quần cũng đánh”… Có thể nói kỷ luật tự giác nghiêm minh là đặc trưng, là sức mạnh làm cho quân đội ta nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng.
 
* Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập ngày 22-12-1944, ngay trong những ngày đầu kháng chiến. Chỉ hơn 10 năm sau, vừa chiến đấu, vừa xây dựng, trưởng thành, quân đội ta đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu” và sau 30 năm đã đánh thắng cả “hai đế quốc to là Pháp và Mỹ”. Theo Trung tướng, điều gì đã làm nên sự kỳ diệu đó?
 
* Trước hết, đó là sức mạnh của cả một dân tộc tiến hành một cuộc chiến tranh chính nghĩa giải phóng đất nước, giải phóng nhân dân thoát khỏi ách nô lệ ngoại bang dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu. Sức mạnh của quân đội ta gắn liền với sức mạnh của một dân tộc khát khao hòa bình, độc lập tự do. Lý tưởng, mục tiêu cao cả mà rất gần gũi của quân đội ta là chiến đấu để giữ gìn non sông gấm vóc của chúng ta, giữ gìn cuộc sống yên vui, hạnh phúc của nhân dân, trong đó có gia đình, người thân…

Mỗi khi Tổ quốc lâm nguy, cả dân tộc ta đều vùng lên đánh giặc và trong đó có những người con ưu tú nhất không tiếc máu xương, trực tiếp cầm súng xông pha đối mặt với quân thù trên chiến trường “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” – quyết đánh, quyết thắng, biết đánh, biết thắng mọi kẻ thù xâm lược.

* Theo Trung tướng, để xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, điều gì là quan trọng nhất?
 
* Có rất nhiều vấn đề phải tập trung đầu tư xây dựng, rèn luyện nhưng trước hết cần không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo nguồn nhân lực cho quốc phòng, bồi dưỡng, giáo dục về lý tưởng, niềm tin, ước mơ, hoài bão cho thế hệ trẻ. Đặc biệt là coi trọng chất lượng giáo dục chính trị, xây dựng bản lĩnh chính trị cho mọi cán bộ, chiến sĩ. Lấy xây dựng về mặt chính trị là yếu tố quan trọng hàng đầu trong xây dựng quân đội vững mạnh toàn diện.

Đồng thời, việc lựa chọn những thanh niên có đủ tiêu chuẩn, toàn diện cả về chính trị, phẩm chất đạo đức, sức khỏe và học vấn là vấn đề quan trọng để đào tạo thế hệ “bộ đội Cụ Hồ” kế tiếp một cách xứng đáng truyền thống của cha ông trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc XHCN hiện nay.
 
* Xin cảm ơn Trung tướng!

HỒNG QUÂN (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục