Thí điểm nhiều mô hình
Có mặt tại Trường Mầm non Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7, TPHCM; một trong những trường mầm non công lập hiếm hoi phục vụ đối tượng con công nhân), ghi nhận của chúng tôi cho thấy dù hoạt động theo mô hình trường công nhưng giáo viên phải nhận trẻ từ 6 giờ 30 và trả muộn sau 17 giờ 30. Như vậy, so với quy định giáo viên mầm non chỉ làm việc 6 giờ/ngày của Bộ GD-ĐT, các giáo viên tại đây đã làm việc gấp đôi thời gian cho phép. Chia sẻ vấn đề này, bà Trần Thị Tú Trinh, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết năm học 2017-2018, trường được giao chỉ tiêu giữ trẻ ngoài giờ 90 bé/3 lớp nhưng thực tế phụ huynh gửi đến 176 trẻ. Năm học 2018-2019, UBND TPHCM tăng chỉ tiêu ngoài giờ lên 210 bé, đồng thời tổ chức nhận giữ thêm ngày thứ bảy, nhưng chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu phụ huynh. Bà Trinh cho biết, năm đầu tiên hoạt động, có 17 giáo viên được điều động từ các đơn vị khác về trường nhận công tác một thời gian rồi xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác. “Thu nhập tương đương trường công, thời gian làm việc nhiều hơn do đặc thù ca kíp của công nhân, trẻ ít được quan tâm do hoàn cảnh gia đình lao động, khiến giáo viên chịu nhiều áp lực nên nhiều người không gắn bó với môi trường này”, một giáo viên (yêu cầu không nêu tên) cho biết.
Trường Mầm non tư thục Thái Quang (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) do một công ty tư nhân đầu tư xây dựng, chỉ nhận trẻ là con công nhân đang làm việc tại công ty. Bà Tạ Thị Thanh An, chủ nhà trường, cho biết năm học 2018-2019, mỗi trẻ được duyệt mức phí 2.075.837 đồng/tháng, trong đó 800.000 đồng khấu trừ từ lương của công nhân, số tiền còn lại do công ty chi trả. Song, với quy mô 405 trẻ, 14 lớp (trên tổng số hơn 30.000 lao động của công ty), đại diện đơn vị thừa nhận mới đáp ứng được một phần rất nhỏ nhu cầu gửi con của người lao động. Thêm vào đó, trong tổng số 31 giáo viên đang công tác, hơn 50% là giáo sinh mới tốt nghiệp ra trường, tuổi nghề dưới 2 năm công tác. Do đó, vấn đề bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và giữ chân đội ngũ là bài toán khó đặt ra cho đơn vị. Tương tự, tại Lớp Mầm non Hoa Mặt Trời (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An), phục vụ nhu cầu gửi con của công nhân Khu công nghiệp Tân Đức, thu nhập bình quân của giáo viên là 5,5 triệu đồng/tháng. Hiện chỉ có 3/8 giáo viên được tham gia bảo hiểm xã hội do thiếu ổn định thời gian công tác. Một thành viên quản lý tại đây cho biết, đầu tư xây trường phải chấp nhận thu hồi vốn chậm, lợi nhuận thấp, thậm chí bù lỗ trong thời gian đầu để củng cố và duy trì hoạt động.
Tỉnh Quảng Ninh đang thí điểm mô hình hợp tác công - tư (đầu tư công - quản lý tư, hoặc ngược lại). Đơn cử tại TP Uông Bí, địa phương giao đất và chi 50% kinh phí từ ngân sách để xây trường, 50% còn lại nhà đầu tư tự đối ứng. Khi cơ sở vật chất hoàn thiện, Nhà nước giao lại cho nhà đầu tư sử dụng thời hạn 50 năm. Trong 25 năm đầu hoạt động, nhà đầu tư có trách nhiệm hoàn trả 50% kinh phí xây dựng ban đầu vào ngân sách, đồng thời chủ động toàn bộ kinh phí chi trả lương cho bộ máy và duy trì hoạt động. Một hình thức khác, tại Trường Mầm non Hoa Hồng (TP Móng Cái), địa phương chuyển giao toàn bộ cơ sở vật chất hiện có cho nhà đầu tư khai thác thời hạn 50 năm, đồng thời hỗ trợ đội ngũ cán bộ quản lý gồm 1 hiệu trưởng, 3 hiệu phó trong những năm đầu hoạt động. Đổi lại, nhà đầu tư có trách nhiệm nộp ngân sách 7 tỷ đồng. Mô hình hợp tác công - tư hiện đang được Quảng Ninh đẩy mạnh nhằm tiết kiệm kinh phí trả lương và xây dựng cơ sở vật chất từ ngân sách, không chỉ huy động vốn mà còn sáng kiến, kinh nghiệm của doanh nghiệp trong hợp tác đầu tư và quản lý mô hình, giảm thất thoát, rút ngắn thời gian xây dựng cơ sở vật chất.
Tính đến tháng 12-2017, cả nước có 326 khu công nghiệp đang hoạt động tại 61/63 tỉnh, thành phố. Trong đó, 17 tỉnh, thành phố tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất (gồm TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội, Hà Nam, Thanh Hóa, Tây Ninh, Đà Nẵng và Tiền Giang) tập trung hơn 50.000 lao động, xây dựng được 1.467 trường mầm non, nhưng mới huy động được 24% con công nhân ra lớp. Hơn 155.000 trẻ là con công nhân đang theo học tại các lớp mẫu giáo độc lập, tư thục với chất lượng chăm sóc không đảm bảo. |
Vận động nhiều nguồn lực tham gia
Đánh giá cao sự năng động của các địa phương trong việc mở rộng hình thức đầu tư xây dựng trường lớp, bà Nguyễn Thị Hiếu, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GD-ĐT), cho biết về lâu dài cần huy động thêm nhiều nguồn lực xã hội. Lấy ví dụ về đề án thí điểm giữ trẻ ngoài giờ của TPHCM, trong đó 50% phí giữ trẻ ngoài giờ ngân sách hỗ trợ, 50% do phụ huynh đóng góp, đại diện Bộ GD-ĐT bày tỏ: “Bộ hoan nghênh sự mạnh dạn đầu tư của TPHCM, song đó vừa là thế mạnh vừa là trở ngại đối với yêu cầu xã hội hóa. Về lâu dài, cần vận động thêm nguồn lực phụ huynh, vì ngân sách không thể bao cấp mãi”. Ở góc độ khác, theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non Nguyễn Bá Minh, mô hình trường mầm non do doanh nghiệp đầu tư xây dựng phục vụ con công nhân, người lao động của chính doanh nghiệp là mô hình lý tưởng, nhưng hiện cả nước chỉ mới có 6/17 tỉnh, thành phố có doanh nghiệp đầu tư xây dựng trường. Tới đây, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất chính sách thúc đẩy xã hội hóa trong phát triển giáo dục mầm non ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ duyệt tăng biên chế giáo viên cho 17 tỉnh, thành phố tập trung nhiều khu công nghiệp.
Bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết quỹ đất xây trường ở nhiều địa phương đã cạn kiệt. Do đó, Bộ GD-ĐT cần kiến nghị Chính phủ ban hành cơ chế đặc thù trong quy hoạch trường, lớp ở các khu chế xuất, khu công nghiệp. Song song đó, cần tạo thêm nhiều điều kiện cho nhà đầu tư tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng và giao đất sạch để thu hút nhiều hơn nữa đầu tư tư nhân vào lĩnh vực giáo dục.