Trường đại học cần gì ở hiệu trưởng?

Mấy ngày nay, việc chủ tịch một tỉnh kiêm nhiệm hiệu trưởng trường đại học mới thành lập của tỉnh thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận xã hội lẫn các chuyên gia, các nhà quản lý trong lĩnh vực giáo dục. 

Xung quanh việc “vô tiền khoáng hậu” này có nhiều ý kiến phân tích dưới góc độ của Luật Giáo dục đại học sửa đổi và bổ sung (có hiệu lực từ ngày 1-7-2019) lẫn dưới góc độ chuyên môn về quản lý. 

Phải khẳng định rằng, giáo dục đại học đã bước qua thời kỳ phát triển “nóng” trong thập kỷ qua, thời mà trung bình cứ 2 tuần có 1 trường đại học và cao đẳng ra đời (Báo cáo của Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội giai đoạn từ năm 1998-2009), trong khi các điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, giáo trình… không theo kịp. Và đến nay, nhiều trường đại học ra đời trong giai đoạn ấy (chủ yếu nâng cấp từ trường cao đẳng sư phạm lên đại học - trường công lập) đều phát triển ì ạch. Trong đó, có không ít trường đầu tư hàng trăm tỷ đồng từ ngân sách nhà nước để lên đại học nhưng tuyển sinh không được, cho tự chủ cũng không xong, và phải tìm cách sáp nhập.  

Vậy vấn đề nằm ở đâu? Có phải do cơ chế, do ngân sách không đầu tư đến nơi đến chốn hay do không chọn được người hiệu trưởng, ban giám hiệu đủ năng lực để quán xuyến, quản lý? Nếu đổ lỗi do cơ chế, do ngân sách, tại sao trong những năm gần đây vẫn có trường công lập tự chủ (giai đoạn 2015 đến nay), không còn được hưởng “bầu sữa” ngân sách nhưng lại rất phát triển, nằm trong bảng xếp hạng uy tín của thế giới. Thậm chí có những ngành, những trường thu hút nhiều nhà khoa học hàng đầu của thế giới về giảng dạy, công bố khoa học quốc tế tăng nhanh cả về số lượng lẫn chất lượng. Vậy, vấn đề cốt lõi ở đây chính là người đứng đầu phải biết quản trị, biết vận dụng linh hoạt những cơ chế, chính sách để phát triển trường.   
  
Nhiều nhà nghiên cứu giáo dục nhìn nhận, kinh nghiệm thực tiễn trong nước và quốc tế cho thấy, nếu người hiệu trưởng không có năng lực quản lý (kiến thức chuyên môn lẫn kinh nghiệm, trải nghiệm thực tế…) thì rất khó để đưa một cơ sở giáo dục đại học phát triển. Chúng ta cũng đã từng thí điểm khi đưa những nhà quản lý nhà nước kiêm hiệu trưởng trường đại học và kết quả đều không thành công. Có trường còn tệ hơn khi hiệu trưởng thiếu năng lực, tầm nhìn, dẫn đến điều hành thiếu dân chủ, khoa học, chuyên môn… khiến cán bộ, giảng viên không phục và đơn khiếu kiện liên miên. 

Thực tế, tại Việt Nam, trong bối cảnh thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, trong đó có giáo dục đại học, nếu trường đại học nào mà người đứng đầu có phẩm chất và năng lực quản trị tốt, có tâm huyết, nói nôm na là “có tâm, có tầm” thì trường đó sẽ phát triển. Ngược lại, người đứng đầu yếu kém về năng lực quản trị đại học, thụ động, lo giữ ghế, trông chờ vào nguồn ngân sách thì trường sẽ giậm chân tại chỗ, thậm chí thụt lùi. 

Tin cùng chuyên mục